Cảm hứng Hiệp sĩ Mặt buồn

- Thứ Hai, 13/04/2015, 08:15 - Chia sẻ
Cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nam Phi John Maxwell Coetzee – người sở hữu giải Nobel Văn học (2003) và hai giải Booker (1983, 1999) có lẽ sẽ khiến cả người hâm mộ, cả người đọc thường xuyên theo dõi tác giả này phải ngạc nhiên.

Đối với tiểu thuyết The Childhood of Jesus (tạm dịch Thời thơ ấu của Chúa, 2013) của J. M. Coetzee, dư luận báo chí tỏ những ý không đồng nhất – có tờ thì hào hứng coi đấy là “một kiệt tác nữa, tác giả xứng đáng nhận giải Booker lần thứ ba”, còn tờ khác lại lưỡng lự, bởi câu chuyện mới này “lạ lùng nhưng thú vị” – phẩm chất vốn rất dồi dào trong sáng tạo của nhà văn.


Hình tượng Don Quixote
Cốt truyện Thời thơ ấu của Chúa diễn ra ở một thành phố cảng có tên Novilla và sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha trong một đất nước… không tên. Tất cả dân gốc gác và dân ngụ cư ở đây – vì những nguyên nhân mà ta chẳng rõ – đều quên tiệt dĩ vãng của mình, rời bản quán đến đây để bắt đầu cuộc đời mới “sạch như tờ giấy trắng”. Với chính mục đích ấy, ở thị trấn có mặt những nhân vật chính của cuốn sách – bác Simón 44 tuổi và cậu bé Davíd 5 tuổi không biết mặt bố mặt mẹ – hoàn cảnh giống Jesus... Hai bác cháu cũng như những người ngụ cư khác được gọi bằng tên mới, được giúp có nhà có cửa, có công ăn việc làm. Người bác thấm thía nỗi trẻ con thiếu mẹ, thậm chí đã kiếm được một phụ nữ địa phương chấp thuận: không làm mẹ nuôi, mà làm mẹ thật của đứa trẻ, còn ông thì lân la ở câu lạc bộ làm quen tìm kiếm bạn đời… Song, tại chỗ ở mới này, bác cháu lại không ở được bao lâu: họ gặp phải những người thủ cựu với những luật lệ khôn bề cưỡng lại, họ trốn khỏi thị trấn mong tìm chỗ ở mới, nơi có thể một lần nữa làm lại cuộc sống từ đầu. Có thể tóm tắt cốt truyện như thế, nhưng, cũng như trong những tác phẩm trước của Coetzee, cốt truyện đâu có đóng vai trò chủ yếu. Vậy thì kỳ thực câu chuyện lạ lùng này muốn nói gì?

Hiệp sĩ Mặt buồn

Một năm trước khi công bố Thời thơ ấu của Chúa (2012), Coetzee quay về cố quốc Nam Phi để thuyết giảng trước các sinh viên Đại học Tổng hợp Cape Town - nơi ông đã giảng dạy nhiều năm - và giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới của mình. Ông chọn một đoạn ngắn trong đó kể chuyện Simón dạy Davíd đọc chữ Tây Ban Nha, sách dùng để bác dạy cháu là cuốn Những cuộc phiêu lưu của Don Quixote nhiều tranh minh họa dành cho trẻ em.

Nhưng Davíd là cậu bé đâu có bình thường – cậu có những khả năng kỳ lạ và óc tưởng tượng sống động, cậu từ chối tiếp nhận cái thế giới như vốn có với các trật tự và khuôn thước của nó. Đối với cậu, những con số, những chữ cái, những từ vựng cứ tồn tại rời rạc, không dính vào với nhau. Giữa những thứ ấy, như cậu nói, có một vực thẳm mà ta có thể rơi vào, còn có gì trong vực thẳm ấy, là… cả một bí ẩn.

Trong các phát biểu và tiểu luận của mình, Coetzee nhiều lần tỏ lòng khâm phục sáng tạo của Cervantes, gọi đó là “người khổng lồ gánh trên vai tất cả chúng ta, đám nhà văn nhỏ mọn của những năm gần đây”. Đối với Coetzee thì Don Quixote chính là tiêu biểu của sự thoát ly thực tế có vẻ khiến ta không chịu nổi. Làm sao để tạo dựng một thế giới có thể hoán đổi, nơi tình cảm và xúc cảm còn quan trọng hơn cả bối cảnh chính trị và khuôn thước xã hội.


Tác phẩm mới nhất của J. M. Coetzee 
Simón đã chủ định chọn Don Quixote có lẽ là để cho Davíd thấy ví dụ một người hùng không sợ óc tưởng tượng của mình bị do thám, để Davíd không đoạn tuyệt với thế giới quan của mình và không sợ phải mất công bảo vệ thế giới quan đó. “Don Quixote là một cuốn sách khác thường - Simón giảng giải cho cậu bé. – Nó trình bày cho ta thấy thế giới qua con mắt của hai nhân vật Don Quixote và Sancho. Don Quixote thì thấy cần phải chọi lại những gã khổng lồ, còn Sancho thì thấy đó chẳng qua chỉ là chiếc cối xay gió. Phần đông trong chúng ta – rất có thể không phải là bạn, nhưng dẫu sao cũng nhiều người đồng tình với Sancho - đều quan niệm rằng trên thực tế những gã khổng lồ chỉ như chiếc cối xay gió. Vị họa sĩ vẽ chiếc cối xay gió chắc cũng đồng tình như thế. Và ngay cả người viết nên cuốn sách đó cũng đồng tình. Nhưng cách nhìn nhận của Don Quixote vẫn có quyền tồn tại, như thế giới tưởng tượng của cậu bé khi nhìn vào bức tranh minh họa sẽ nghĩ ra một phương án riêng cho câu chuyện về cuộc phiêu lưu của Hiệp sĩ Mặt buồn.

Nỗi niềm ngụ cư

Cuộc phiêu lưu của Don Quixote - vốn được coi là cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ – kết thúc bằng sự quy hàng của trí tưởng tượng trước thực tại: chàng hiệp sĩ trở về nhà rồi chết. Nhưng tiểu thuyết mới của Coetzee thì kết thúc bằng niềm hy vọng: Simón và Davíd bỏ trốn khỏi Novilla đi tìm chỗ cư trú mới. Để trả lời câu hỏi của Davíd “đến đấy ta sẽ làm gì”, Simón đáp:

- ... Chúng ta sẽ nói “Xin chào, chúng tôi lại đến đây, và chúng tôi đang tìm chỗ nào có thể ở lại”.

- Rồi thì sao?

- Thế là xong. Tìm chỗ nào có thể ở lại, để bắt đầu một cuộc sống mới.

Dọc đường, Davíd tìm kiếm môn đệ – những người sẵn lòng tin tưởng vào cái cậu bé cứ tưởng mình là thầy phù thủy. Còn cậu ta hễ gặp bất kỳ người nào chưa quen cũng sẵn sàng bảo người ta rằng mình sẽ trở thành thân nhân của họ. “Chỗ ở mới” mà các nhân vật đang kiếm tìm nó như thế nào vậy? Có lẽ, đó là xứ sở có tự do cho bất kỳ ý tưởng và óc tưởng tượng nào. Liệu họ có tìm thấy một xứ sở như thế?

Bản thân tác giả J. M. Coetzee đã rời Nam Phi sang Australia từ năm 2002, sinh sống với người vợ sau Dorothy Driver ở Adelaide, nơi ông giữ một chức vụ danh dự tại Đại học Adelaide và nhận quyền công dân năm 2006. Có lẽ, nhà văn đã cảm thấy mình là người khách được mong đợi, nhưng dẫu sao thì cũng vẫn là “người dưng”. Cũng như nhiều người Nam Phi cùng thế hệ ông từng khao khát được rời sang bất kỳ đất nước nào khác để cho những chuyện ở cố quốc khuất khỏi mắt mình, Coetzee không ít lần đưa vào tiểu luận câu này của nhà thơ William Plomer (1903-1973, sinh quán Nam Phi, học và sống phần lớn cuộc đời tại Anh):

Cho phép chúng tôi đi
Sang một miền đất mới
Chẳng quê bạn quê tôi
Vạn sự xin lại khởi.

Còn trong cuốn tiểu thuyết mới này, J. M. Coetzee, “một trong những nhà văn Anh ngữ hay nhất hiện nay” (theo tạp chí Time), đất nước được mô tả có nhiều cái không: không đường biên giới, không kiểm tra hộ chiếu, người đến không còn biết cội rễ của mình, tất cả dùng chung một ngôn ngữ và không hề nhắc nhở đến khuôn mặt, màu da. Có lẽ chính trong sự hòa trộn mọi con người đó, J. M. Coetzee nhìn thấy một tương lai - “tương lai Brazil” - một thế giới không ai khác ai - châu Phi hay châu Âu, da đen hay da trắng, không còn phân biệt chủng tộc sắc tộc.

“Tôi là người hằng nuôi mơ ước về tự do (cũng như bất kỳ một tù nhân nào) và thường tưởng tượng ra những con người bứt khỏi gông xiềng và hướng về phía mặt trời - J. M. Coetzee trong một lần trả lời phỏng vấn đã nói về mình như thế – Thời thơ ấu của Chúa là câu chuyện về những con người muốn rũ bỏ các xiềng gông, khuôn thước, giành lấy tự do trong hành động, tự do trong suy nghĩ và tự do trong tưởng tượng”.

Đăng Bẩy
Theo Inostrannaya Literatura