Góc nhìn

Cải thiện do khách quan

- Thứ Sáu, 05/06/2020, 07:21 - Chia sẻ
Phát biểu tại cuộc họp về việc xây dựng dự thảo Chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí diễn ra cách đây chưa lâu, đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, diễn biến ô nhiễm không khí trên cả nước vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Còn trong báo cáo của Tổng cục Môi trường vừa được công bố, chất lượng không khí trong tháng 5 đã được cải thiện hơn so với tháng 4 cũng như các tháng đầu năm 2020. Khấp khởi mừng, nhưng rồi đại diện Tổng cục cho biết, theo quy luật hàng năm, tháng 5 là thời gian bắt đầu vào mùa mưa, vì vậy chất lượng không khí nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh miền Bắc được cải thiện hơn so với các tháng mùa khô…

Chất lượng không khí ở các địa phương thời gian trước đây có phần bị xem nhẹ. Việc có ô nhiễm hay không, nguyên nhân ô nhiễm từ đâu và giải pháp khắc phục như thế nào... thường diễn tiến theo "cách tự nhiên". Tức tự có, tự hết; hoặc không hết thì chờ tìm nguyên nhân, rồi tìm cách khắc phục. Phải đến khi xảy ra vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, vấn đề ô nhiễm không khí - đặc biệt là tại các đô thị mới được "xới xáo" lên. Đáng tiếc, việc này cũng mới chỉ dừng lại ở mức tìm hiểu nguyên nhân. Giải pháp để khắc phục chưa rõ ràng.

Ô nhiễm môi trường có thể là từ khí thải của các phương tiện tham gia giao thông; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông chưa nghiêm việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường. Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương... Nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt... Rõ là thế nhưng để khắc phục là việc rất khó.

Nếu theo dự thảo Chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí thì hàng loạt giải pháp sẽ được đưa ra như cần xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương; ưu tiên quan trắc, đánh giá xác định nguồn ô nhiễm bụi mịn, từ đó có giải pháp kiểm soát, khắc phục. Đẩy nhanh việc ban hành và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân; khuyến khích sử dụng các loại xe chạy điện, khí trong nội đô, tiến tới thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trồng nhiều cây xanh, phun nước rửa đường thường xuyên tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán… Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông; kế hoạch thu hồi, tái chế, xử lý thiết bị, ắc quy từ xe điện. Tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản.

Những giải pháp nêu trên mới chỉ là dự kiến. Và như vậy, hiển nhiên chất lượng không khí được cải thiện nhưng không phải bởi các giải pháp đã được áp dụng mà do yếu tố khách quan là thời tiết, là "nhờ trời". Để chủ động cải thiện và cải thiện được cần tiếp tục đầu tư các trạm quan trắc không khí, từ đó xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp - đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Linh Trang