Bỏ sổ hộ khẩu giấy:

Bước tiến về phương thức quản lý cư trú

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 07:29 - Chia sẻ
Tại cuộc làm việc giữa Ủy ban Pháp luật với UBND TP Hà Nội mới đây về kết quả thực hiện pháp luật cư trú trên địa bàn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là không quản lý dân cư, mà còn quản lý chặt chẽ hơn. Chúng ta chỉ thay đổi phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn để tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục cư trú. Không phải không còn sổ hộ khẩu giấy là buông quản lý.

Bản chất vẫn quản lý theo hộ khẩu

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã có quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thành viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Hiển chỉ rõ, về bản chất chúng ta vẫn quản lý theo hộ khẩu, chỉ khác phương thức quản lý là thông qua số định danh cá nhân. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp mong muốn, để thực sự đổi mới thì việc bỏ sổ hộ khẩu nên kèm theo các lợi ích, bỏ các điều kiện về hộ khẩu đối với một số giao dịch như việc học, khám chữa bệnh.

Cũng trong cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đặt vấn đề, nếu chuyển sang quản lý dân cư theo số định danh cá nhân thì có cần phân biệt nơi ở hiện tại, tạm trú, lưu trú và thường trú nữa hay không? Đồng thời, đề nghị chỉ rõ trong 4 vấn đề này, cái gì là quan trọng, chúng ta có cần lấy trung tâm là nơi thường trú? Bởi, thực tế cho thấy, trung tâm này không phù hợp.

 Phải chăng, nơi ở hiện tại mới là căn cứ xác đáng vì nó liên quan trực tiếp đến truy tố hình sự, tranh chấp dân sự, chúng ta cần biết đương sự đang ở đâu thì mới áp dụng được biện pháp ngăn chặn. Lấy minh chứng, tố tụng vẫn căn cứ vào nơi thường trú để xác định thẩm quyền thụ lý của Tòa án thì rất không phù hợp; nên xét xem đương sự đang ở đâu thì thụ lý tại đó. “Sự kiện pháp lý xảy ra ở đâu thì làm ở đó. Chúng ta vẫn quản lý theo hộ khẩu thường trú, gắn với hộ khẩu thì "bình mới, rượu cũ". Phải thật sự cải cách” - Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.

Cho rằng, chỉ nên giữ lại khái niệm nơi ở hiện tại, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Huyền Mai nêu rõ, như vậy sẽ tạo sự đồng bộ, hài hòa trong triển khai thực hiện.

Nguồn: ITN

Có lộ trình chuyển đổi hợp lý

Giải trình thêm về vấn đề này, lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội nêu rõ, mọi giao dịch dân sự đều đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu và chứng minh thư, cho nên chúng ta đừng thay đổi về mặt bản chất của sổ hộ khẩu, mà chỉ thay đổi hình thức quản lý từ sổ sang mã số định danh.

Để thực hiện có hiệu quả việc quản lý cư trú thông qua mã số định danh cá nhân cũng nên có lộ trình thực hiện cụ thể, để không xảy ra xáo trộn lớn. Theo đó, TP Hà Nội đề xuất thời gian chuyển tiếp ít nhất là từ 12 - 24 tháng nhằm bảo đảm các cơ quan hành chính, các cơ quan, tổ chức khác đang thực hiện giao dịch với công dân yêu cầu phải có sổ hộ khẩu có sự chuẩn bị trang, thiết bị đồng bộ để tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư. Lãnh đạo Sở Tư pháp thành phố nói, “sổ hộ khẩu mang tính chất hành chính phải dứt điểm, nhưng cũng dứt điểm phải có lộ trình và phương pháp tiếp cận”.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết thêm, Hà Nội chủ yếu ứng dụng công nghệ thông tin cho dịch vụ công ở mức độ 3, hiện nay đang phấn đấu lên mức độ 4, dự kiến đến hết năm 2020, mong muốn đạt được là 35 - 40% dịch vụ công ở mức độ 4. Đối với các huyện ở xa hơn như Ba Vì, Mỹ Đức, chỉ cần wifi có vấn đề là trục trặc hệ thống ngay, vì vậy, thành phố phải tính toán mốc thời gian chuyển đổi hợp lý, nhằm đáp ứng yêu cầu giao dịch hành chính thông qua số định danh cá nhân.

   Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, chúng ta bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là không quản lý dân cư, mà còn quản lý chặt chẽ hơn. Chúng ta chỉ thay đổi phương thức ứng dụng thông tin để tạo thuận lợi hơn cho người dân khi làm thủ tục cư trú. Không phải không còn sổ hộ khẩu giấy là buông quản lý. Tuy nhiên, cần có sự đánh giá nghiêm túc, toàn diện, để có giải pháp xử lý đồng bộ. Vì sổ hộ khẩu liên quan đến thủ tục hành chính, đất đai, an sinh xã hội. Một mặt phải rà soát, khi không còn sổ hộ khẩu giấy, cái gì sẽ thay thế để chứng minh nơi cư trú của người dân. Làm rõ thêm thủ tục nào cần gắn với “hộ khẩu”, thủ tục nào lược bỏ đi, chỉ sử dụng số định danh cá nhân.

  Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, thời gian chuyển tiếp đưa ra từ 12 - 24 tháng mới là “bốc thuốc”, thực tế, có huyện, quận cần thời gian dài hơn, có huyện, quận có thể ngắn hơn. Trong quá trình chuyển đổi phương thức quản lý sang số định danh cá nhân cần tăng cường năng lực cán bộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết. “Lộ trình chuyển đổi có thể song song, nơi nào đáp ứng đủ điều kiện thì quản lý cư dân theo số định danh cá nhân, nơi nào chưa đáp ứng thì sử dụng hộ khẩu giấy. Cứ chuyển đổi dần dần và khi hoàn thành, người dân sẽ không phải dùng hộ khẩu giấy nữa. Chúng ta có thể không thu hồi, mà để người dân lưu giữ sổ hộ khẩu giấy làm kỷ niệm”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Dự kiến, sẽ có một giai đoạn tồn tại hai phương thức quản lý song song, thời gian dài hay ngắn để áp dụng phương thức quản lý mới hoàn toàn bằng số định danh cá nhân phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương.

Ý Nhi