Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bố trí vốn đúng, đủ cho Chương trình

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:20 - Chia sẻ
Khẳng định nguồn vốn có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần bố trí vốn đúng, đủ cho Chương trình.

Chưa thống nhất về nguồn vốn?

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Hội đồng Dân tộc, báo cáo về đề xuất kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị, vốn thực hiện Chương trình 5 năm 2021 - 2025 là hơn 137.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 bố trí 15%, năm 2022, 2023, 2024 là 25% và năm 2025 bố trí 10% nguồn vốn.

Tuy nhiên, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cũng vẫn chưa thống nhất về nguồn vốn thực hiện Chương trình. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu chỉ ra, Bộ Tài chính dự kiến chỉ bố trí kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 khoảng 60% so với dự toán năm 2020, do điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn. Thậm chí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến còn thấp hơn nữa. Điều này đòi hỏi các bộ phải làm việc chuyên sâu hơn với nhau để cân đối nguồn lực, xác định tiêu chí phân bổ vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH  vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho rằng, cơ cấu cho nhu cầu vốn năm 2021 không nên áp dụng so với năm 2020 mà nên dự kiến theo nhu cầu. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải cơ cấu được khoảng 80 - 90% nguồn vốn, nếu chỉ bố trí 60% so với dự toán năm 2020, hoặc như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, đầu tư bằng 15% kế hoạch trung hạn là quá thấp. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương là hơn 50.600 tỷ đồng, chia bình quân theo năm cũng phải bảo đảm 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng lại dự kiến bố trí vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương theo kế hoạch năm 2021 cho Chương trình này là hơn 7.000 tỷ đồng. Tương tự, vốn tín dụng dự kiến gần 20.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm phải 4.000 tỷ đồng nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại dự kiến kế hoạch năm 2021 chỉ gần 3.000 tỷ đồng. Chỉ ra những bất cập này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nhấn mạnh, phải bố trí vốn cho phù hợp, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia này, chúng ta hạn chế cho không, tăng cho vay, đến lúc người dân có nhu cầu vay mà không cho vay thì làm thế nào? Do vậy, vốn tín dụng cũng cần tăng lên, ông nhấn mạnh. 

Nguồn: ITN

Bộ lo không tiêu được tiền

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, Bộ sẽ cố gắng bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn cho giai đoạn 2021 - 2025 như Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội và đề nghị của Ủy ban Dân tộc là 137.664 tỷ đồng. Tuy nhiên, phân bổ vốn hàng năm phải căn cứ theo khả năng chi tiêu đến đâu, ngân sách có bao nhiêu để bảo đảm hài hòa, phù hợp với nguồn vốn hiện có và ngân sách giải ngân. Nếu cân đối nhiều hơn nữa cho Chương trình này trong năm 2021, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo không tiêu được. Bởi lẽ, Nghị quyết 120 đã được Quốc hội thông qua từ ngày 19.6.2020, nhưng đến tháng 9, chúng ta vẫn chưa trình được quyết định đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi đây lại là điều kiện tiên quyết để bố trí vốn hàng năm. Chúng ta cũng thiếu hai văn bản quan trọng là: Đề án về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xác định các xã, thôn khu vực I, khu vực II, khu vực III có định mức hỗ trợ là bao nhiêu; Nghị định của Chính phủ về cơ chế đặc thù để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Sau khi dự kiến các khả năng về giải ngân nguồn lực, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, vốn đầu tư công sẽ đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Dân tộc đề ra. 

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Tuấn Anh cũng nhất trí năm 2021 sẽ bố trí 15% nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Và bảo đảm bố trí tối thiểu hơn 137.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ phải tập trung nguồn lực để đầu tư giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo thứ tự ưu tiên. Cùng với đó, Quốc hội cũng giao Chính phủ quyết định đầu tư Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục rà soát, cân đối, bố trí ngân sách Trung ương bổ sung cho Chương trình theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng chính sách và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình. Rõ ràng, những nhiệm vụ này cần được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hạn chế tối đa “độ trễ” để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của Quốc hội. 

Nguồn vốn có ý nghĩa quyết định đối với thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến yêu cầu các cơ quan liên quan phải làm việc chặt chẽ với nhau để bố trí vốn đúng, đủ cho Chương trình. 

Anh Thảo