Cuộc chiến chống Covid-19

Bí quyết thành công của Hàn Quốc

- Thứ Hai, 24/08/2020, 09:26 - Chia sẻ
Các chỉ số kinh tế và sức khỏe cộng đồng mới nhất cho thấy Hàn Quốc đang vượt xa hầu hết các nước khác trong đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế. Thành công của xứ sở kim chi chắc chắn không đến từ may mắn. Chuyên gia Jim O’Neill, cựu Giám đốc Quỹ Quản lý tài sản Goldman Sachs đồng thời là cựu Bộ trưởng Tài chính Anh, đã có bài bình luận về hiện tượng này trên Project Syndicate.

Những con số biết nói

Trung tuần tháng 8, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, họ sẽ điều chỉnh dự báo về GDP thực tế năm 2020 của Hàn Quốc (trên cơ sở điều chỉnh theo chỉ số lạm phát lạm phát) từ -1,2% lên -0,8%. Con số đáng khích lệ trên làm tăng niềm tin rằng kinh tế quốc gia này đang phát triển tốt hơn các quốc gia thành viên khác của OECD. Bởi cũng theo OECD, 37 quốc gia thành viên khác của nhóm chứng kiến mức thu hẹp GDP thực tế là 7,6%. Tệ hơn nữa, tin tức này được đưa ra chỉ một ngày trước khi Chính phủ Anh báo cáo mức giảm GDP kỷ lục trong quý II là 20,4%, sau các dự báo trước đó rằng nền kinh tế Anh đang trên đà giảm 11,5% tổng thể trong năm nay.

Tất nhiên, dự đoán chỉ là dự đoán và những dữ liệu mà OECD đưa ra không ưu việt hơn nhưng cũng không xấu hơn so với các nguồn thông tin khác. Tuy nhiên để phục vụ mục đích so sánh giữa các quốc gia, thì dự đoán của OECD tương đối tin cậy. Những con số đã nói lên nhiều điều, rằng Hàn Quốc dần trở nên nổi bật. Đất nước này từ lâu đã trở thành hình mẫu cho nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, và thậm chí giờ đây còn là hình mẫu của các kinh tế “tiên tiến” hơn như Mỹ và Anh.

Nếu nhìn lại thời điểm cách đây hơn nửa năm, sẽ hoàn toàn có lý do để dự đoán Hàn Quốc đối mặt với những tổn thất lớn hơn các nước OECD khác từ đại dịch. Nếu chúng ta chưa quên, thì vào cuối tháng 1, Hàn Quốc đã trở thành một trong số ít quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm Covid-19 và ổ dịch của Hàn Quốc khi đó được đánh giá tương đối phức tạp và khó kiểm soát.

Nhưng không giống Italy - cũng là một trong những nạn nhân đầu tiên của Covid-19, Hàn Quốc, bằng cách nào đó, đã ngăn chặn được nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên toàn quốc. Hơn nữa, nếu những dự đoán của OECD chính xác, thì sự thu hẹp quy mô GDP của Hàn Quốc trong năm nay không thấm vào đâu so với những gì đất nước này đã trải qua sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998.

Trở lại giữa tháng 3, đến lượt Vương quốc Anh trở thành ổ dịch lớn của châu Âu, chỉ sau sự bùng phát ở Italy hai tuần. Hai quốc gia hàng đầu Tây Âu trải qua cuộc khủng hoảng đặc biệt sâu sắc so với các nước khác. Vậy tại sao Hàn Quốc - một quốc gia phụ thuộc lớn vào thương mại - lại có khả năng đối phó tốt với đợt dịch này cũng như hạn chế tối đa tác động đối với nền kinh tế? Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ sự thành công này?

Nguồn: Korea Times

Yếu tố của sự khác biệt

Khó có thể chắc chắn về yếu tố đã tạo nên sự khác biệt lớn nhất. Nhưng nếu để ý, quốc gia này đã có những bước đi ngoạn mục trong nhiều lĩnh vực suốt thời gian qua. Vào ngày 20.2, tôi đã có bài bình luận tựa đề “Mọi ánh mắt đổ dồn về Hàn Quốc” để hưởng ứng Lễ trao giải Oscar, nơi bộ phim "Ký sinh trùng" của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho giành giải Phim hay nhất, sự vinh danh đầy ý nghĩa bởi một giải thưởng nghệ thuật hàng đầu thế giới.

Thật không may, giữa lúc đó, Hàn Quốc bắt đầu trải qua đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên. Tôi sợ rằng những sự kiện ở xứ sở Kim chi khi đó sẽ làm đảo lộn mọi lời khen ngợi của tôi dành cho đất nước này. Nhưng chưa đầy nửa năm sau, rõ ràng là Hàn Quốc lại một lần nữa đứng ở tốp đầu về nhiều mặt: Chống dịch cũng như kinh tế. Nói cách khác, Hàn Quốc đã trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác vì hai lý do đơn giản.

Thứ nhất, trong 40 năm qua, đây là nền kinh tế “đang phát triển” hoặc “mới nổi” duy nhất có quy mô trung bình đến lớn (theo dân số) đã tăng thu nhập bình quân đầu người ngang bằng các nền kinh tế tiên tiến. Vào đầu những năm 1980, Hàn Quốc chỉ giàu ngang các nước châu Phi. Ngày nay, quốc gia Đông Á này giàu có như Tây Ban Nha.

Thứ hai, Hàn Quốc không chỉ ngày càng lớn mạnh; quốc gia này đã dần dần leo lên các nấc thang kinh tế bằng cách đón nhận công nghệ. Khi Goldman Sachs tiến hành lập chỉ số phát triển bền vững cho hơn 180 quốc gia, tổ chức này nhận thấy rằng, không chỉ xếp hạng trong top 10 quốc gia hàng đầu về hầu hết chỉ số, Hàn Quốc đạt điểm đặc biệt cao trong áp dụng và phổ biến công nghệ - thậm chí cao hơn cả Mỹ.

Quan trọng là, các tiêu chí của Goldman Sachs không chỉ nắm bắt được ai đang phát minh hoặc sản xuất một số công nghệ nhất định - từ máy tính đến điện thoại di động - mà còn cả những đối tượng đang sử dụng. Hàn Quốc ngày nay là một xã hội công nghệ, và điều đó gần như chắc chắn đã tạo ra sự khác biệt trong bối cảnh của đại dịch, đặc biệt là khi nước này áp dụng công nghệ để giám sát những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm và kiểm soát sự lây lan của virus. Trong khi đó ở Vương quốc Anh, quốc gia này vẫn chưa có hệ thống giám sát cũng như truy vết giống như Hàn Quốc.

Hàn Quốc rất cởi mở với thương mại thế giới và họ báo cáo dữ liệu thương mại của mình vào ngày đầu tiên hàng tháng. Dữ liệu tháng 7 cho thấy, hoạt động xuất khẩu của nước này đã được cải thiện đáng kể (có nghĩa là nó không giảm mạnh như những tháng trước đó).

Những tin tức tích cực từ Hàn Quốc có thể báo trước (hoặc cũng có thể không) những gì đang chờ đợi nền kinh tế toàn cầu sau khi phục hồi từ sự sụp đổ lịch sử. Nhưng rõ ràng đây là một dấu hiệu khác cho thấy Hàn Quốc đã quản lý tốt cuộc khủng hoảng, đặc biệt là so với thái độ nhạo báng ban đầu vô lý của nhiều nền kinh tế tiên tiến trong nhìn nhận sự nguy hiểm của đại dịch và sau đó là sự kém cỏi trong kiểm soát dịch bệnh. Đã đến lúc tất cả các nước nhìn sang Hàn Quốc để tìm câu trả lời cho mình.

Đạt Quốc