Đọc sách: Bệnh trắng

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:39 - Chia sẻ

(Kịch của Karel Čapek, Bình Slavická dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn, 2020)

Vở kịch được viết năm 1937 khi đất nước Tiệp Khắc của Karel Čapek đang là con mồi để Hitler bắt nạt và hiểm họa phát xít Đức đang đe dọa cả châu Âu. Tác giả tưởng tượng ra một căn bệnh chết người đang trở thành đại dịch lan tràn cả đất nước. Đấy là “bệnh trắng”: những vệt trắng xuất hiện trên thân thể, đau đớn, thối rữa, không phải là dịch hạch, cũng không phải là bệnh hủi, nhưng ghê rợn hơn nhiều. Bác sĩ Galén phát minh ra thuốc chữa, nhưng điều kiện ông đưa ra là muốn được chữa chạy, chính quyền và tập đoàn sản xuất vũ khí phải cam kết từ bỏ chiến tranh. Vị nguyên soái độc tài và ông nam tước sản xuất vũ khí bác bỏ điều kiện hòa bình và phải chịu kết cục bi thảm. Ngài cố vấn vốn là giáo sư bác sĩ chủ bệnh viện cũng thất bại trong ý đồ lợi dụng bác sĩ Galén để kiếm lợi mà vẫn khăng khăng nguyên tắc: “Thà rằng tôi để cho cả thế giới chết lụi chết tàn vì bệnh hủi, còn hơn là chỉ trong giây phút phải chịu cái dịch hạch hòa bình chủ nghĩa”.

Ý nghĩa nhân văn của vở kịch được đẩy lên khi bác sĩ Galén từ chối chữa bệnh cho người giàu nhưng lại sẵn sàng chữa chạy miễn phí cho người nghèo. Kịch cũng khai thác triệt để góc khuất của tâm trạng khi mà một ông viên chức quèn cũng bác bỏ hòa bình chỉ vì hòa bình sẽ làm đình đốn công việc ở nhà máy sản xuất vũ khí mà ông ta đang làm công. Dịch bệnh hoành hành lại chính là cơ hội để cho ông ta được đề bạt lên chức kế toán trưởng: “Trước (tôi) có tới năm đồng nghiệp cũng nhăm nhe vị trí này, nhưng mà cả năm người đều chết vì bệnh trắng rồi”. Một điều thú vị nữa, giữa mùa dịch Covid năm 2020, đọc một vở kịch viết từ năm 1937 và được dựng trên sân khấu Tiệp Khắc cùng năm, ngay từ hồi ấy đã có những câu như thế này: “A, cái này mới hay, ông Sigelius nói là cái bệnh này từ Trung Quốc truyền sang. Mẹ nó thấy chưa, tôi vẫn bảo là cứ biến Trung Quốc thành thuộc địa của châu Âu đi, đưa nó vào khuôn khổ trật tự đi là yên chuyện hết”. Lý sự của một ông kế toán ở Đông Âu dù sao cũng chỉ là lý sự, nhưng trong ấy không phải không lấp ló một phần chân lý. Kết cục là giữa mùa dịch, đang hoảng loạn về căn bệnh chưa dẹp được, nhưng đám đông quần chúng mù quáng và vụ lợi vẫn gào thét suy tôn kẻ độc tài và hô vang “chiến tranh muôn năm”. Ý nghĩa dự báo và cảnh tỉnh từ gần một thế kỷ trước giờ đây vẫn còn nguyên giá trị.

Thông điệp của nhà văn lớn người Séc đã được nhắc lại bằng việc năm 1987, năm đầu của thời kỳ đổi mới, Đoàn kịch nói Trung ương đã dựng vở Bệnh trắng trên sân khấu Việt Nam. Còn bây giờ, năm 2020, giữa trận dịch mà toàn cầu phải chịu đựng, người đọc Việt Nam có thể thưởng thức vở kịch này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Séc. 

Một số tác phẩm khác của Karel Čapek (1890 - 1938) đã ấn hành ở Việt Nam: tập truyện Hoa cúc xanh, tiểu thuyết Khi loài vật lên ngôi, Nhà máy chế tạo siêu nhiên, vở kịch R.U.R các robot toàn năng của Rossum.

Hồ Anh Thái