Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng

Bệ phóng cho nông sản chất lượng cao

- Thứ Hai, 28/09/2020, 06:45 - Chia sẻ
Bộ NN - PTNT đang tổng hợp, rà soát tình hình triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp để tiếp tục dành nguồn lực đẩy mạnh thực hiện. Mục tiêu là nông sản phải bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu và mang lại giá trị cao.

Đã đào tạo gần 3.000 giảng viên IPM

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian qua đã xây dựng và triển khai nhiều đề án khuyến khích phát triển sản xuất an toàn, bền vững, trong đó có đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020. Nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt của chương trình là bảo tồn đất đai, nguồn nước, lập lại cân bằng sinh thái tự nhiên; tăng cường khả năng chủ động của nông dân trong quyết định ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh; tăng năng suất, chất lượng cây trồng, giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí bảo vệ thực vật, tăng hiệu quả kinh tế.

Ruộng lúa quản lý theo chương trình IPM tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang

Hiện 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án, dự án, kế hoạch, chương trình IPM. Chỉ riêng trong hai năm 2016 - 2017, các tỉnh đã mở được 16 lớp đào tạo giảng viên cho 383 cán bộ, 3.060 lớp huấn luyện nông dân và 946 mô hình với 322 nghìn lượt nông dân tham gia, diện tích áp dụng chương trình IPM là 406 nghìn hecta.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, từ năm 1992, chương trình đã được tiến hành với sự tài trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và sự nỗ lực của Bộ NN - PTNT cùng các địa phương. 28 năm qua, chương trình đã đào tạo được gần 3.000 giảng viên IPM. Hàng nghìn lớp học đồng ruộng (FFS), với hàng triệu nông dân tham gia làm thí nghiệm và kiểm soát hệ sinh thái, thiên địch ngoài đồng ruộng.

Thực tế qua lớp học IPM, nhận thức và kỹ năng quản lý trên đồng ruộng của nông dân được nâng cao; nông dân đã nhận biết, phân biệt được dịch hại và thiên địch trên đồng ruộng, đồng thời, giảm số lần phun thuốc, phân bón, lượng giống gieo, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, góp phần giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận.

Nhằm tiếp tục triển khai chương trình IPM hiệu quả, sâu rộng và thực chất hơn nữa trên đồng loạt các loại cây trồng, Cục trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ NN - PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tổng hợp, rà soát tình hình triển khai chương trình IPM trên phạm vi cả nước để tiếp tục bổ sung nguồn lực đẩy mạnh chương trình này những năm tới. Bộ NN - PTNT cũng dành kinh phí để các địa phương chủ động triển khai chương tình theo hướng dẫn.

Giảm tối đa vật tư đầu vào

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nhấn mạnh, khung chương trình cho các lớp đào tạo giảng viên IPM và đào tạo nông dân sẽ được xây dựng lại. "Có nhiều vấn đề phải cập nhật và thay đổi, trong đó đặc biệt quan tâm giảm tối đa sử dụng các loại vật tư đầu vào; tập trung sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để giảm thiểu hóa chất".

Ngoài ra, các nội dung khoa học, chương trình thí nghiệm mới nhất cũng sẽ được đưa vào đào tạo. Mở rộng việc nhân nuôi các thiên địch như ong ký sinh, bọ đuôi kìm và các sinh vật có ích để tiêu diệt sâu hại trên các loại cây trồng quan trọng, đặc là cây lúa. Việc áp dụng các mô hình sinh thái khác trong sản xuất lúa như mô hình “bờ hoa, ruộng lúa” rất phổ biến tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đang được đẩy mạnh. Cục Bảo vệ thực vật đã giao Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cùng các tỉnh, thành phố nhân rộng mô hình “bờ hoa, ruộng lúa”.

Đối với sản xuất lúa gạo, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị các địa phương gắn chương trình IPM với các chương trình khác về sản xuất nông nghiệp bền vững như thâm canh lúa cải tiến (SRI), các giải pháp "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"... để hướng tới mục tiêu chung là một nền nông nghiệp bền vững, giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giảm lượng giống, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính..., tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tới đây, Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ triển khai thực hiện IPM rộng rãi trên cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả chủ lực. Đơn cử, Bình Thuận, Long An tập trung triển khai IPM trên cây thanh long. Những địa phương khác căn cứ điều kiện của mình để xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp IPM. "Mục tiêu là sản phẩm phải bảo đảm các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu và mang lại giá trị cao. Điều này người dân, các địa phương và ngành nông nghiệp cần hơn bao giờ hết”, Cục trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Duy Anh