Bầu cử và đại diện: Bảo đảm tính đại diện cho các nhóm thiểu số

- Thứ Sáu, 15/04/2011, 07:19 - Chia sẻ
Chế độ bầu cử tiến bộ, công bằng và hợp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các nhóm xã hội yếu thế nhằm bảo đảm tính cân đối, hợp lý trong cơ cấu của Nghị viện.

John Stuart Mill, triết gia người Anh đã từng nhấn mạnh rằng: các nhóm thiểu số phải được đại diện đầy đủ, ấy chính là một phần mang tính bản chất của nền dân chủ. Không có điều này thì không thể nào có dân chủ thực sự mà chỉ là màn trình diễn giả dối của dân chủ mà thôi.  Ông cho rằng, nhóm thiểu số phải có được lượng quyền lực đúng như họ phải có. “Một đa số cử tri luôn có một đa số đại biểu; nhưng một thiểu số cử tri cũng phải luôn luôn có một thiểu số đại biểu. Một người so với một người. Họ phải có đại diện đầy đủ như nhóm đa số”. Điều này “không những đặt nền tảng cho việc xây dựng một xã hội đồng thuận mà không cần dùng đến bạo lực vào quá trình quyết định chính sách, mà nó còn hạn chế sự lũng đoạn, sự tác động của các tập đoàn kinh tế, các lực lượng chính trị trong việc hoạch định chính sách”.

Kết quả bầu cử không đảm bảo cân đối về tính đại diện rất khó để chấp nhận trong một quốc gia có cơ cấu xã hội đa dạng. Nếu có một sắc tộc hoặc tôn giáo lớn, cố kết chính trị một cách chặt chẽ, thì những nhóm chủng tộc, hoặc tôn giáo thiểu số sẽ không có hoặc rất ít đại diện; và như vậy, họ không có tiếng nói hoặc có tiếng nói rất hạn chế trong cơ quan lập pháp. Kết quả bầu cử như vậy có thể dẫn đến những xung đột, hoặc ít nhất nó tiềm ẩn nguy cơ xung đột và bất ổn xã hội. Đảm bảo quyền bầu cử và sự bình đẳng trong bầu cử là phương thức quan trọng để các tầng lớp nhân dân bảo vệ quyền lợi cho chính mình, “không nhất thiết để mà thống trị, mà để không bị cai trị tệ hại”.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả những nước đã có truyền thống nghị viện lâu đời, cơ quan đại diện lại thiếu tính đại diện. Người ta thường thấy tỷ lệ nghị sỹ da trắng áp đảo trong nghị viện ở những nước có số lượng lớn người có màu da khác sinh sống như Canada, Mỹ, Pháp… Hoặc là tỷ lệ nữ nghị sỹ còn thấp ngay cả ở những nước đó. Có một nghịch lý phổ biến ở không ít quốc gia hiện nay là, mặc dù chiếm đa số trong xã hội, song nông dân (hay phụ nữ) vẫn là lực lượng yếu thế.

Mặt khác, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng một số biện pháp để đảm bảo tính đại diện của các tầng lớp yếu thế trong xã hội như phụ nữ, dân tộc thiểu số, nông dân. Giải quyết nghịch lý trên là xu thế ở nhiều nước trên thế giới và dường như là xu thế phát triển của dân chủ. Nhiều biện pháp đã được áp dụng ở các nước: các đảng phái quy định rõ quotas cho họ; can thiệp vào sự phân vạch đơn vị bầu cử; thành lập Viện thứ hai trong nghị viện, thậm chí áp dụng việc bổ nhiệm thành viên của Viện này.

Chẳng hạn, Thượng viện Pháp thực hiện chức năng đại diện cho các cộng đồng lãnh thổ địa phương của Cộng hòa Pháp và cộng đồng người Pháp cư trú ở ngoài nước Pháp. Từ 1983, nước Pháp dành 12 ghế đại diện cho công dân Pháp ở nước ngoài, chiếm 3,6% trong tổng số 331 ghế trong Thượng viện Pháp; Nghị viện Ý có 12 ghế (1,9%) đại diện cho người Ý ở nước ngoài trong tổng số 630 nghị sỹ. Điều 6 Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 1979, sửa đổi năm 1986 của Trung Quốc quy định “Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Hội đồng nhân dân các cấp ở những vùng có tương đối nhiều Hoa kiều hồi hương sẽ có số đại biểu thuộc thành phần này thích đáng”.

Lê Anh