Bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, chú ý khi neo đậu tàu thuyền

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 16:02 - Chia sẻ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 10 giờ ngày 18.9, bão số 5 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 5 làm đổ cây vào xe ôtô. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Bão số 5 làm đổ cây vào xe ôtô. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông trên đất liền các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của bão số 5, ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; ở đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh Trung Bộ đã có mưa rất to, lượng mưa 100-300 mm.

Dự báo từ 10 giờ ngày 18.9 đến 10 giờ ngày 19.9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ, đảo Lý Sơn) trong chiều 18.9, còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Các chuyên gia khuyến cáo khi có bão, áp thấp nhiệt đới mà các thuyền viên neo đậu tàu, thuyền không đúng chỗ, không đúng cách thì vẫn bị thiệt hại do tàu, thuyền va đập vào nhau và do sóng đánh lật úp tàu.

Để hạn chế thiệt hại, khi neo đậu tàu, thuyền thì các thuyền viên cần chú ý rằng ở những bến bãi không có cầu tàu thì neo đậu tàu, thuyền theo hướng thẳng góc với bờ, giữ cho khoảng cách giữa các tàu thuyền đủ rộng để tránh va đập vào nhau; tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền theo hướng song song với bờ, vì như thế tàu thuyền rất dễ bị sóng đánh thẳng vào mạn làm lật úp tàu; thả cả neo đáy và neo bờ để giữ cho tàu thuyền cố định; sử dụng các lốp xe hơi cũ treo ở thành tàu thuyền, mạn tàu thuyền và cả mũi tàu thuyền để hạn chế va đập vào nhau và va đập vào cầu tàu thuyền; không neo đậu tàu thuyền dưới hoặc bên cạnh các cầu giao thông, không lấy trụ cầu để buộc neo.

Cách an toàn nhất là neo tàu, thuyền ở khu tránh trú bão. Tốt nhất là các thuyền viên neo đậu tàu, thuyền một mình riêng biệt, sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở các hướng mà không bị va đập với bất cứ vật gì và không bị mắc cạn; thả 01-02 neo trước mũi tàu, chiều dài dây neo bằng 5-7 lần độ sâu nơi thả neo; nếu trong khu neo đậu có các phao bù, hoặc cọc neo thì các thuyền viên cần buộc tàu, tàu buộc chặt dây neo mũi vào phao bù hoặc cọc neo và xông dây neo ra một khoảng độ dài 5-7m, sau đó thả thêm neo đằng lái.

Trong chiều và đêm 18.9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt.

Các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm/đợt.

Từ đêm 18.9 đến ngày 20.9, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150 mm/đợt.

Thủ đô Hà Nội từ chiều tối 18.9 đến ngày 20.9, có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa phổ biến 100-150 mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Trong chiều 18.9, trên đất liền ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trên đất liền ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, có gió giật cấp 6-7.

Trên biển, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong đêm 18.9 và ngày 19.9, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3m; biển động.

Từ sáng 18.9, do ảnh hưởng của bão số 5, tại Quảng Bình bắt đầu có mưa kèm theo gió lớn. Trên địa bàn đã có 2 phụ nữ bị thương do các sự cố xảy ra trong cơn bão.

Vào khoảng 7 giờ 30 phút cùng ngày, gió lớn đã khiến cây trứng cá trên Quốc lộ 1A, đoạn qua thành phố Đồng Hới bị bật gốc và đổ, khiến một người đi xe máy bị ngã xuống đường bất tỉnh.

Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Linh, trú tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch. Phát hiện vụ việc, người dân gần đó đã đưa nạn nhân vào nhà sơ cứu. Sau đó, nạn nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị sưng gò má, trầy và chảy máu vùng mặt.

Trước đó, tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, chị Trần Thị Thơm (sinh năm 1971) đã bị chấn thương sọ não do ngã trong quá trình chặt cây chống bão. Chị Thơm đã được đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.

Để chủ động ứng phó với bão số 5, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẵn sàng triển khai phương án di dời 20 ngàn hộ dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông trong trường hợp khẩn cấp.

Các địa phương cũng triển khai lực lượng trực 24/24 giờ, chủ động thực hiện các phương án chống bão. Ngành điện Quảng Bình tập trung lực lượng túc trực 24/24 giờ để xử lý các sự cố có thể xảy ra do bão, đảm bảo an toàn và cung cấp điện cho người dân.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 6.564 tàu thuyền với 22.941 lao động. Đến sáng 18.9, các phương tiện đã vào khu neo đậu, tránh trú bão an toàn.

Hiện, tại các hồ chứa loại vừa và lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không có sự cố. Mực nước các hồ đang ở mức từ 10-40% so với dung tích thiết kế.

TTXVN