Bao giờ mới giảm giá?

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 20:50 - Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quyết định đồng ý cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để nuôi, giết mổ làm thực phẩm từ ngày 12.6. Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm tăng nguồn cung, đồng thời giúp mặt hàng thịt lợn trong nước "hạ nhiệt". Vậy nhưng, ở góc nhìn khác, điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý nhà nước đang "bất lực" trước việc giá thịt lợn trong nước luôn ở mức cao và luôn có xu hướng tăng.

Ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá thịt lợn đã ở mức cao và "neo" lại khá lâu. Sau Tết, tình hình cũng không mấy được cải thiện, dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu và đưa ra nhiều giải pháp. Như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Với mức giá xuất chuồng 75.000 đồng/kg lợn hơi, các doanh nghiệp vẫn lãi rất cao, chúng tôi yêu cầu dứt khoát 17 tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải thực hiện theo khuyến nghị, theo yêu cầu của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành. Tập trung đưa giá dần xuống mức độ hợp lý để phát triển một cách lành mạnh, tích cực, bền vững. Hay chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá hồi cuối tháng 4: Sớm giảm giá thịt lợn về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi lên tới 90.000 đồng/kg là "quá đáng", nhưng vấn đề là người dân chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng? Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài chính, Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt heo, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật...

Vậy nhưng thực tế, giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao, hoặc có giảm thì cũng rất nhỏ và xu hướng tăng luôn "chiếm ưu thế". Nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn cao đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra là bởi chưa đủ lượng sản phẩm để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu; do giá thành sản xuất cao vì phải bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong chăn nuôi; do có quá nhiều khâu trung gian. Giải pháp gốc rễ để khắc phục tình trạng này là đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn. Ngoài ra, cần giảm bớt khâu trung gian...

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 khiến đàn lợn thiệt hại 20%, khối lượng thịt thiệt hại 9,3%. Từ tháng 10.2019, sau khi dịch ổn định, các địa phương tập trung tái đàn. Kết quả đến hết quý I.2020, tổng đàn lợn cả nước là 24 triệu con, tăng 6,3% so với tháng 12 năm 2019. Với đà này chúng tôi nhận định đến quý III và đầu quý IV.2020 sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và lúc đó sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường - ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Như vậy, có thể hiểu những diễn biến trên thị trường đã được lường trước. Và việc cho phép nhập khẩu lợn sống chỉ là một trong những giải pháp để bù đắp sản lượng thiếu hụt. Điều quan trọng là sau quyết định này, giá thịt lợn liệu có giảm? Giảm bao nhiêu? Giảm trong bao lâu?

Linh Trang