Bao giờ hết bức xúc?

- Thứ Ba, 23/06/2020, 09:43 - Chia sẻ
Thời tiết nắng nóng vốn đã bức bối, khó chịu. Nay lại thêm chuyện hóa đơn tiền điện tháng 6 - ghi chỉ số từ ngày 6.5 - 5.6.2020 khiến nhiều người, nhiều hộ gia đình càng bức xúc hơn, thậm chí là "sốc". Như một hộ gia đình ở Quảng Ninh, hóa đơn tiền điện tháng 6 lên tới gần 90 triệu đồng. Rất may, sau đó nguyên nhân được xác định là bởi sai sót trong quá trình kinh doanh, ra hóa đơn việc chốt chỉ số công tơ điện tử bằng thiết bị cầm tay HHU...

Thực tế, việc hóa đơn tiền điện "tăng bất thường" không chỉ có ở mùa mùa hè năm nay mà một số năm trước, tình trạng này đã xuất hiện. Người dân thì cho rằng, thiết bị điện trong nhà không tăng, thời gian sử dụng điện không nhiều nhưng lạ cái là tiền điện vẫn tăng, thậm chí tăng cao, rất cao. Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ yếu giải thích rằng đó là do nắng nóng. Mà nắng nóng thì đương nhiêu phải sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn... Năm nay, EVN lý giải tình trạng hóa đơn điện tháng 6 tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua dẫn đến lượng tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí. Khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát, đặc biệt là máy điều hòa nhiệt độ là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng. EVN dẫn số liệu: Có tới hơn 3,1 triệu khách hàng, tương đương gần 12% tổng số khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ tăng cao hơn 30% so với tháng 4. Trong đó có gần 1 triệu hộ tăng mức tiêu thụ thêm 50%; cá biệt, có 215 nghìn hộ tăng mức tiêu thụ gấp 3 - 4 lần so với tháng trước.

Về cách đếm công tơ điện, EVN khẳng định, các công tơ, điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng. Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, bảo đảm khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ.

Như vậy có thể hiểu, các yếu tố như quy luật thời tiết, trời nắng nóng kéo dài, người dân sử dụng điều hòa nhiệt độ và thiết bị làm mát tăng cao đột biến... là những nguyên nhân chính dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng. Nhưng với người dân, những nguyên nhân nêu trên là chưa thỏa đáng, chưa đủ thuyết phục. Điều dễ nhận thấy ở đây là cách lý giải của EVN năm nay không khác nhiều so với các năm trước, ngoại trừ các số liệu.

Cũng bởi những bức xúc này mà tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện diễn ra hôm qua, 22.6, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu EVN làm rõ; nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Dù Chủ tịch EVN cho biết đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xác minh những trường hợp có tiền điện tăng cao để trả lời, giải thích cho người dân một cách công khai. Vậy nhưng vẫn cần phải có "biện pháp nào đó" để làm sao tránh được việc năm nào ngành điện cũng phải đi giải thích, còn người dân năm nào cũng bức xúc.

Linh Trang