Thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Bảo đảm sự đồng thuận và thống nhất

- Thứ Năm, 25/06/2020, 05:29 - Chia sẻ
Thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo rất phong phú, đa dạng, phức tạp về loại hình, quy mô, trong khi nội dung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chưa quy định đầy đủ, cụ thể dẫn đến công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Nhiều vướng mắc khi triển khai

Được Quốc hội thông qua ngày 18.11.2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; tạo được sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp về vị trí, vai trò của công tác tôn giáo; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, thời hiệu giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của các cấp chính quyền…

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Tuy nhiên, theo Ban Tôn giáo Chính phủ: Việt Nam hiện có nhiều tổ chức đã được công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động tôn giáo (38 tổ chức được công nhận; 4 tổ chức và 1 pháp môn được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo), mỗi tổ chức tôn giáo có quy mô, mô hình tổ chức, quy định khác nhau… Bên cạnh đó, còn có rất nhiều “hiện tượng tôn giáo mới” xuất hiện và hoạt động phức tạp. Trong khi đó Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ quy định chung cho các tổ chức tôn giáo, các tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng. Chính vì vậy, trong thực tiễn triển khai ở từng địa phương với những tổ chức cụ thể có điểm vướng, khó khăn, bất cập. Đây là những vấn đề đặt ra cần được quan tâm giải quyết để tạo sự thống nhất và đồng thuận.

Trong các nhóm vấn đề địa phương phản ánh về quá trình thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có thể thấy, còn có cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất về một số từ ngữ mới trong Luật, như hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng, chức sắc, chức việc, địa điểm hợp pháp, tổ chức tôn giáo trực thuộc... Một số địa phương cho rằng cách giải thích về chức sắc, chức việc chưa rõ ràng, dễ hiểu nhầm, khó áp dụng; hay cách giải thích về chức việc chưa phù hợp với một số tổ chức tôn giáo. Có nơi gặp khó khăn khi chưa có căn cứ pháp lý để giải quyết việc xin thành lập cơ sở tín ngưỡng…

Có thể thấy, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung rất phong phú, đa dạng và không kém phần phức tạp về loại hình, quy mô, số lượng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Trong khi đó, theo Bộ Nội vụ, hệ thống cơ quan làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong toàn quốc hiện nay chưa đồng bộ; đội ngũ làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo chưa được đào tạo bài bản; số lượng công chức tham mưu quản lý về lĩnh vực này còn thiếu so với nhiệm vụ được giao trong Luật… dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao.

"Nóng" vấn đề sử dụng đất, xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng

Vấn đề được quan tâm hiện nay là việc quản lý, sử dụng đất tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động về tôn giáo có sử dụng đất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân, tuy nhiên, thực tế cũng tồn tại bất cập trong quản lý. Trong đó, pháp luật về đất đai chưa có quy định điều chỉnh hoạt động sử dụng đất của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như làm trường học, bệnh viện; vẫn còn hơn 18% diện tích đất cơ sở tôn giáo chưa được cấp Giấy chứng nhận, do nhiều nguyên nhân; vẫn còn phát sinh tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất tín ngưỡng, tôn giáo, mặc dù số vụ việc không nhiều nhưng từng vụ việc có tính chất và diễn biến phức tạp.

Việc xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cũng đang được dư luận đặc biệt chú ý. Theo đại diện Bộ Xây dựng, qua kiểm tra cho thấy vẫn có công trình được chủ đầu tư tự ý xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo không đúng quy định về trình tự, thủ tục. Một số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng vi phạm quy định về đất đai và trật tự xây dựng (xây dựng công trình không phép, sai phép, xây dựng trên đất rừng, đất chưa được cấp quyền sử dụng); chủ đầu tư không đủ năng lực nhưng tự quản lý dự án; thi công khi chưa có quy hoạch... Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý hiệu quả đầu tư khu du lịch có tính chất tâm linh, từ quy hoạch sử dụng đất, giao đất, đầu tư xây dựng, quy mô các công trình, tránh tình trạng sử dụng đất quy mô lớn, lãng phí tài nguyên.

Nhằm khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian tới, đại diện các bộ, ngành liên quan kiến nghị Quốc hội chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với các văn bản luật khác có liên quan (Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược...); tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo từ Trung ương tới địa phương, trong đó tập trung xây dựng cơ chế, chính sách cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở, đặc biệt ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để làm cơ sở pháp lý xử phạt các vi phạm trong trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động lễ hội tín ngưỡng nói riêng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bài và ảnh: Ngọc Phương