Ứng cử viên QH, HĐND:

Bảo đảm động cơ, tiêu chuẩn, thái độ, trách nhiệm

- Thứ Sáu, 18/03/2016, 18:03 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- “MTTQ Việt Nam rất hoan nghênh, ủng hộ những người tự ứng cử bảo đảm được động cơ, tiêu chuẩn, thái độ, trách nhiệm đối với những tổ chức do dân bầu ra kể cả HĐND và QH. Và trong quá trình ấy, vừa làm chúng ta vừa cần rút kinh nghiệm, có những người không trúng cử nhưng họ vẫn có đóng góp trong việc tìm ra những giải pháp tốt hơn, tích cực hơn cho những người tự ứng cử các khóa sau này”. Nguyên PCT Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền chia sẻ.
Ông Lê Truyền - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam

- Thưa ông, theo thống kê ban đầu, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số lượng người ứng cử tăng cao. Con số tăng lên nói lên điều gì, thưa ông?

Ông Lê Truyền: Số người tự ứng cử tăng, nhất là ở những TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những cử tri đủ điều kiện thể hiện quyền, trách nhiệm trước những cuộc bầu cử, tôi thấy rất nên quan tâm và ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho những người tham gia ứng cử để bảo đảm sự công bằng trước pháp luật của tất cả mọi người nằm trong danh sách ứng cử. Tuy nhiên, cần chú ý đến vấn đề chất lượng và chất lượng tùy thuộc vào bản thân từng người tự ứng cử xác định tham gia.

- Vậy làm thế nào để lựa chọn được người có tài, có đức, xứng đáng là người đại diện cho nhân dân, thưa ông?

Ông Lê Truyền: MTTQ Việt Nam rất hoan nghênh, ủng hộ những người tự ứng cử bảo đảm được động cơ, tiêu chuẩn, thái độ, trách nhiệm đối với những tổ chức do dân bầu ra kể cả HĐND và QH. Và trong quá trình ấy, vừa làm chúng ta vừa cần rút kinh nghiệm, có những người không trúng cử nhưng họ vẫn có đóng góp trong việc tìm ra những giải pháp tốt hơn, tích cực hơn cho những người tự ứng cử các khóa sau này.

Còn việc tạo thuận lợi cho cả người tự ứng cử và người được giới thiệu, việc tiếp xúc cử tri rất quan trọng. Việc tiếp xúc cử tri lâu nay vẫn tiến hành nhưng nếu quan niệm việc tiếp xúc đồng thời là cuộc vận động bầu cử thì chưa thực sự là môi trường để tạo không khí vận động bầu cử cao hơn trong cuộc tiếp xúc cử tri.

- Có những đại biểu có tiểu sử rất ngắn, có đại biểu tiểu sử rất dài, điều này khiến cho cử tri không nhìn nhận được hết những đóng góp của đại biểu đó nếu tiểu sử quá ngắn trong khi thực tế có thể họ có rất nhiều đóng góp. Theo ông, MTTQ giám sát thế nào về điều này để bảo đảm sự công bằng?

Ông Lê Truyền: Theo tôi, việc khai hồ sơ của đại biểu đã có sự hướng dẫn thống nhất, việc tiểu sử ngắn hay dài là phụ thuộc vào vốn liếng của từng người khai vào bản kê đó nên tạo ra tiểu sử của mỗi người khác nhau. Vì bản khai là theo mẫu biểu sẵn thống nhất, quan trọng là người khai có trả lời được hết câu hỏi trong bản khai một cách đầy đủ không, có thể là người khai không khai được hết hoặc có thể có nhiều quá trình hoạt động mà kê khai hết lại rất dài nên không thể so sánh được mọi người tùy mức độ khác nhau. Dù vậy cũng cần bảo đảm được thông tin cho ngày hội nghị hiệp thương này và nhất là cho cử tri biết mà căn cứ vào đó để lựa chọn được người để bầu cử, miễn sao thông tin phải trung thực.

- Theo ông thời gian diễn ra bầu cử của nước ta như vậy có quá ngắn?

Ông Lê Truyền: Theo tôi, điều này tùy thuộc vào mỗi quốc gia tiến hành, không thể so sánh hết được với các quốc gia khác nhau thế nào. Nhưng tại Việt Nam đã xây dựng được quy trình bầu cử ĐBQH, HĐND đã và đang làm, chủ yếu làm sao để việc thực hiện quy trình đó phải thật nghiêm chỉnh, những quy trình đã có phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Hồng Nhung ghi