Giáo dục hậu Covid-19

Bảo đảm cân bằng

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:30 - Chia sẻ
Tính cho đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết quốc gia trên mọi phương diện. Nền giáo dục của nhiều nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình dịch bệnh kéo dài. Nhiều giải pháp và định hướng đã được đưa ra để khắc phục những khó khăn cho lĩnh vực được coi là then chốt của các quốc gia.

Ảnh hưởng nặng nề

Theo Viện Thống kê UNESCO (UIS), đến giữa tháng 4.2020, có tới hơn 1,57 tỷ học sinh, sinh viên ở 191 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Con số này chiếm trên 91% tổng số người học. Ít nhất 73 quốc gia thực hiện biện pháp đóng cửa trường học. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các gia đình có thu nhập thấp, những người thiếu tiếp cận công nghệ, internet, các dịch vụ chăm sóc trẻ em…

Nhiều kỳ thi THPT hoặc tuyển sinh đại học phải hủy bỏ hoặc lùi thời gian. Các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Thái Lan đều hoãn các kỳ thi THCS hay THPT. Một số cuộc thi chuẩn quốc tế thường được sử dụng rộng rãi để xét tuyển vào các trường đại học tốp đầu của Mỹ như A-Level, SAT, ACT… cũng được thông báo hủy.

Nghiêm trọng hơn, theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đối với giáo dục toàn cầu sẽ có tác động đáng kể ở hai cấp độ khác nhau. Trước hết, chi tiêu cho giáo dục cũng như các chi phí bổ sung sẽ tăng đáng kể. Thứ hai là sự suy thoái các nguồn tài chính trong tương lai đối với lĩnh vực này. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục sẽ mở rộng và cuộc khủng hoảng học tập toàn cầu nhiều khả năng ngày càng trầm trọng.

Mở ra hướng đi mới

Trước diễn biến khó lường và kéo dài của dịch bệnh, hệ thống giáo dục của các quốc gia buộc phải tìm ra giải pháp thay thế. Theo đó, dạy học trực tuyến là một giải pháp thay thế tương đối phù hợp. Giám đốc chiến lược và giảng dạy của Microsoft châu Á - Sean Tierney cho biết: “Thời đại kỹ thuật số, công nghệ đã thay đổi nhiều khía cạnh trong xã hội nhưng cấu trúc trường học lại không thay đổi nhiều”.

Covid-19 tác động rất lớn đến ngành giáo dục bằng cách thay đổi hình thức dạy và học. Quá trình học tập trực tuyến tại nhà trong mùa dịch chính là tiền đề cho sự thay đổi của toàn ngành giáo dục nhiều quốc gia. Mô hình lớp học được biết đến qua nhiều thế kỷ sẽ được cấu trúc lại. Theo đó, các giải pháp công nghệ có tiềm năng biến đổi và cải thiện hệ thống để học sinh có thể phát triển đều các kỹ năng có giá trị với kết quả tốt hơn.

Cũng theo ông Sean Tierney, sự thay đổi này sẽ mang tính hệ thống, giáo dục sẽ chuyển từ văn hóa dạy học sang văn hóa học tập. Ở đây, học sinh được trao quyền tự học một cách linh hoạt, thường xuyên hợp tác cả trong và ngoài lớp học theo khả năng và tốc độ riêng của mỗi người. Về phía giáo viên, việc kiểm soát được dữ liệu thời gian thực về mức độ tiến bộ của mỗi học sinh giúp họ hỗ trợ trẻ một cách phù hợp. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng được kết nối tốt hơn.

Cần phát triển bền vững

Tuy nhiên, mặt trái của việc học trực tuyến là gia tăng khoảng cách số. Báo cáo Digital in 2020 của tổ chức We are Social and Hootsuite cho thấy, chỉ khoảng 60% dân số trên toàn thế giới kết nối trực tuyến. Hơn nữa, với những gia đình không đủ điều kiện để đầu tư cũng như hiểu biết về kỹ thuật số, con em của họ dễ bị bỏ lại phía sau.

Mới đây nhất, ngày 9.7, trong sự kiện “Giáo dục hậu Covid-19” bên lề Diễn đàn chính trị cấp cao Liên Hợp Quốc (LHQ), các nước thành viên, các cơ quan của LHQ cùng nhiều tổ chức chính trong lĩnh vực giáo dục tái khẳng định cam kết chuyển đổi giáo dục theo hướng bình đẳng, lâu bền và hòa nhập. Sự kiện do UNESCO và Ban chỉ đạo Mục tiêu phát triển bền vững giáo dục 2030 (SDG), cùng sự hỗ trợ của nhóm Những người bạn vì giáo dục và học tập suốt đời tổ chức, quy tụ các nhân vật cấp cao từ Ngân hàng Thế giới, UNICEF, OECD… nhằm đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 với lĩnh vực giáo dục.

Bà Stefania Gianini, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách giáo dục UNESCO cho biết: “Ước tính do đại dịch, có tới 20 triệu học sinh nguy cơ không quay trở lại trường học. Nếu chúng ta không lựa chọn các chính sách đúng đắn, được hỗ trợ bởi các nguồn lực, cuộc khủng hoảng giáo dục sẽ trở nên sâu sắc hơn với những tác động không nhỏ tới tất cả mục tiêu phát triển”.

Ông Gordon Brown, đặc phái viên LHQ về giáo dục toàn cầu nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy mức an toàn và tính kết nối của các trường học trong và sau đại dịch. Sự kiện cũng kêu gọi tất cả chính phủ dành ưu tiên cao cho giáo dục và bảo đảm các nguồn tài trợ được điều phối và hỗ trợ cho các hệ thống giáo dục quốc gia. Riêng châu Phi, nơi chiếm 35% tổng số học sinh toàn thế giới, chính phủ phải bảo đảm việc giáo dục cho tất cả các em không bị gián đoạn. Nhiều ý kiến kêu gọi sự hợp tác toàn cầu nhằm đạt tới sự bình đẳng trong giáo dục cho mọi người bằng cách điều chỉnh hệ thống giáo dục, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của các quốc gia và mọi đối tượng học sinh.

Tựu trung, các cuộc thảo luận đều chú trọng vào thực tế mới đối với các trường học sau đại dịch Covid-19 cũng như tính cấp thiết để giải quyết những bất bình đẳng đang gia tăng trong giáo dục của các quốc gia, đồng thời kêu gọi tăng hỗ trợ gấp đôi tài chính cho giáo dục, vốn được coi là cần thiết để thúc đẩy SDG4 (Mục tiêu phát triển bền vững số 4 về chất lượng giáo dục của LHQ, nhằm bảo đảm một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người).

Nhìn nhận một cách lạc quan, như lời phát biểu của bà Mona Juul, Đại diện thường trực Na Uy tại LHQ, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra tạo cơ hội cho tất cả các bên liên quan xích lại gần nhau, đồng thời tăng cường sự hợp tác trong cấu trúc giáo dục toàn cầu. 

Ngọc Minh