Tiêm chủng cho trẻ trong thời điểm Covid-19:

Bảo đảm an toàn, tránh dịch chồng dịch

- Thứ Tư, 29/04/2020, 15:31 - Chia sẻ
Nhân dịp Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm nay, từ ngày 24 đến 30.4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tuyên bố chung kêu gọi, phải bảo đảm tiêm chủng cho trẻ em trong thời điểm đại dịch Covid-19, đặc biệt chú trọng với các trường hợp cần tiêm bù sau thời gian tạm hoãn nhằm cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thời gian vừa qua.

Gián đoạn tiêm chủng ở trẻ nhỏ

Về bản chất, việc tiêm chủng là sử dụng vaccine để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Hiện nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh; khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội. Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.


Đã đến lúc khôi phục hoạt động tiêm chủng, tổ chức tiêm bù cho trẻ bỏ lỡ kỳ tiêm chủng thiết yếu trong những tháng vừa qua

Thời gian qua, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tạm dừng tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã, phường trong vòng 15 ngày từ ngày 1.4 đến 15.4. Trong thời gian này, các điểm tiêm chủng dịch vụ cũng tạm dừng tổ chức tiêm chủng, đội ngũ nhân viên y tế được điều chuyển lên tuyến đầu phòng, chống dịch và yêu cầu hạn chế cung cấp những dịch vụ thường quy đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp với người khỏe mạnh.

Song, có một thực tế là trước khi có chủ trương giãn cách xã hội, một số cha mẹ cũng ít đưa con đến các cơ sở y tế, do lo sợ lây Covid-19 cho bản thân và trẻ nhỏ, nên đã bỏ lỡ các cột mốc quan trọng trong lịch tiêm phòng. Theo các chuyên gia y tế, điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Bởi việc gián đoạn chương trình tiêm chủng có thể khiến những căn bệnh đã có vaccine phòng ngừa quay trở lại và bùng phát thành dịch bệnh trong tương lai.

Đặc biệt, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi có nguy cơ tăng, bùng phát nếu không được tiêm chủng đầy đủ. Theo dữ liệu thu thập trên phạm vi toàn cầu, hơn 117 triệu trẻ em có nguy cơ bỏ lỡ tiêm phòng sởi do đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi tỷ lệ tiêm chủng đã bắt đầu sụt giảm và các ca mắc sởi, ho gà xuất hiện trong Quý I năm 2020. Mà với trẻ nhỏ, bệnh sởi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não… Các đợt bùng phát dịch của các bệnh dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Khẩn trương tổ chức hoạt động tiêm bù

Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm nay diễn ra từ ngày 24.4 đến ngày 30.4, hơn lúc nào hết, đây chính là cơ hội để vận động cha mẹ, nhân viên y tế và các đối tác khác về tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Theo thông tin từ chuyên gia của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, WHO và UNICEF kêu gọi các nhà chức trách y tế từ cấp Trung ương đến địa phương, gia đình và cộng đồng cũng như các đối tác phát triển và khu vực tư nhân nỗ lực bảo đảm tiêm chủng thiết yếu cho trẻ em trong thời điểm đại dịch, không chùn bước trong cuộc chiến chống các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Do đó, việc tiêm chủng bổ sung các vaccine cần chú trọng với trẻ đã bỏ lỡ đợt tiêm chủng trong thời gian dịch, xây dựng các chiến lược tiêm chủng bổ sung vaccine cho hậu Covid-19.

Theo đó, cần phối kết hợp tổ chức tiêm bù cho trẻ nào đã bỏ lỡ tiêm chủng trong những tháng vừa qua. Theo kinh nghiệm đúc rút từ các khủng hoảng trước, khi tiếp cận các gia đình để tiêm chủng cho trẻ, nhân viên y tế cần tận dụng cơ hội vàng, kết hợp thực hiện các can thiệp y tế trọng yếu khác. Đặc biệt lưu ý những trường hợp người dân vùng cao, trẻ em miền núi, tránh tình trạng bỏ lỡ miễn dịch cộng đồng và cơ hội bảo vệ sức khỏe toàn dân. Trong trường hợp chỉ có thể cung cấp các dịch vụ tiêm chủng mở rộng hạn chế nên ưu tiên tiêm chủng phòng các bệnh dễ gây dịch như sởi, bại liệt, bạch hầu. Đồng thời, cần đánh giá khoảng trống miễn dịch để có giải pháp can thiệp phù hợp cho các đối tượng. Mặt khác, phải xây dựng các chiến lược phù hợp cùng cam kết chính trị và tài chính để bảo đảm duy trì các dịch vụ tiêm chủng hiện có và dịch vụ trong tương lai.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương PGS.TS. Dương Thị Hồng cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đề nghị các trạm y tế xã, phường, thị trấn của 12 tỉnh, thành phố này quản lý đối tượng tiêm chủng chặt chẽ để thực hiện tiêm bù các vaccine cho trẻ, tiêm chủng đầy đủ ngay sau khi được phép tổ chức lại buổi tiêm chủng thường xuyên. Các địa phương còn lại tính toán để có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai tiêm chủng, tránh “dịch chồng dịch”.

Để chuẩn bị ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh có thể bùng phát trong tương lai, điều cần làm là tiếp thu bài học kinh nghiệm trong quá khứ và hiện tại, để bảo đảm duy trì các dịch vụ tiêm chủng hiện có và dịch vụ trong tương lai. Bên cạnh đó, người dân cần chú ý theo dõi, thực hiện việc tiêm chủng cho bản thân và con cái đúng thời gian, đúng lịch, đặc biệt là thời điểm sau thời kỳ tạm hoãn vừa qua, tránh tình trạng bỏ quên, lỡ “thời điểm vàng” bảo vệ sức khoẻ, cùng chung tay bảo đảm tiêm chủng đầy đủ vì sức khoẻ của tất cả mọi người.

Hải Yến