TP Hồ Chí Minh

Bảo đảm an ninh nguồn nước

- Thứ Bảy, 22/08/2020, 06:18 - Chia sẻ
Với tổng công suất cung cấp nước sạch theo thiết kế là 2,4 triệu mét khối/ngày, cùng sự kiểm soát chặt chẽ đã giúp công tác cung cấp nước sạch ở TP Hồ Chí Minh được bảo đảm an toàn, ổn định. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu đang gióng lên “hồi chuông” cảnh báo về an ninh, an toàn nguồn nước sạch, nhất là khi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, đòi hỏi thành phố sớm có giải pháp khắc phục.

Giám sát chặt chẽ chất lượng nước

Để cung cấp nước sạch cho người dân, ngành cấp nước TP Hồ Chí Minh đã lấy nước thô từ sông Sài Gòn (trạm Hòa Phú, huyện Củ Chi) và từ sông Đồng Nai (trạm bơm Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Từ các trạm bơm, nước được dẫn về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước Thủ Đức để xử lý, rồi cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường và sự tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước sông, kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là hệ thống sông Sài Gòn và sông Ðồng Nai, làm ảnh hưởng việc sản xuất và cung cấp nước sạch cho thành phố.

Hệ thống hồ chứa sau khi xử lý nguồn nước thô thành nước sạch tại Nhà máy nước Tân Hiệp 1.
Nguồn: ITN

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) Bùi Thanh Giang cho biết, nhằm bảo đảm chất lượng nguồn nước, Sawaco đã triển khai nhiều phương án kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt nguồn nước thô trước khi vào nhà máy. Cùng với đó, Sawaco cũng thực hiện công tác giám sát chất lượng nước hàng giờ và trang bị hệ thống giám sát chất lượng nước online từ đầu nguồn đến khi nước vào nhà máy xử lý. Hệ thống giám sát online cũng hoạt động trên cả hệ thống đường ống cung cấp nước đến cho người dân để theo dõi kịp thời các sự cố.

“Qua hệ thống giám sát online, nếu phát hiện các chất hữu cơ hoặc amoni tăng cao, bộ phận vận hành sẽ điều chỉnh Clo xử lý nước từ trạm bơm về đến nhà máy. Trong trường hợp ô nhiễm vượt ngưỡng xử lý buộc phải ngưng lấy nước sông Sài Gòn, Sawaco cũng có phương án đề nghị Nhà máy nước Kênh Đông tăng công suất, hoặc đề nghị hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn, rửa ô nhiễm” - lãnh đạo Sawaco cho hay.

Ngoài ra, để giám sát chất lượng nước từ xa, định kỳ hàng tháng Sawaco sẽ thuê ca nô chở các chuyên gia đi giám sát nguồn nước dọc lưu vực sông, cả các kênh rạch lớn chảy vào sông. Từ công tác này, sẽ lấy mẫu nước để kiểm tra chất lượng, ghi nhận các điểm phát sinh nguy cơ ô nhiễm cho nguồn nước, tiến hành các biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện giám sát độc lập chất lượng nước trên địa bàn thành phố.

Chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, để bảo vệ tài nguyên nước, thành phố cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Theo đó, cần có quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, kế hoạch quản lý tài nguyên nước dài hạn và ngắn hạn phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước của Sawaco Trần Kim Thạch cũng cho biết, cùng với việc đưa ra nhiều kịch bản ứng phó trước diễn biến của biến đổi khí hậu, ngành cấp nước thành phố còn chủ động triển khai ứng dụng nhiều công nghệ quản lý hiện đại, xây dựng nhiều công trình hỗ trợ nhằm bảo đảm duy trì cung cấp nước ổn định cho người dân, bảo đảm an ninh, an toàn cho nguồn nước thành phố.

Hiện nay, các nhà máy cấp nước của thành phố đều thực hiện theo dõi thường xuyên, liên tục độ mặn nước sông qua hệ thống quan trắc online, cài đặt các ngưỡng cảnh báo trong hệ thống Scada của các nhà máy để ứng phó sự cố kịp thời. Sawaco cũng đã hoàn thành việc nâng công suất các bể chứa nước sạch của các nhà máy nước, tăng khả năng lưu trữ lượng nước lên từ 8 - 10 giờ, để bảo đảm duy trì lượng nước cung cấp cho người dân khi có sự cố xảy ra.

Nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và thiếu nước sạch sinh hoạt để phục vụ người dân do sự cố ô nhiễm từ đầu nguồn bởi sự xả thải từ các khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp xuống sông, nguồn nước nhiễm mặn hay do biến đổi khí hậu, về lâu dài, đối với nguồn nước sông Sài Gòn, Sawaco đang nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng hồ chứa theo một trong hai cách là xây dựng một hồ chứa mới trên sông Sài Gòn, hoặc ngăn một đoạn sông để tạo thành hồ chứa.

“Sông Sài Gòn đang chịu ảnh hưởng ô nhiễm chất thải và xâm nhập mặn nhiều hơn sông Đồng Nai, nên việc xây hồ chứa sẽ giúp dự trữ và cung cấp nước thô cho cụm xử lý nước Tân Hiệp trong khoảng từ 1 - 3 ngày liên tục khi bị ô nhiễm, đồng thời góp phần vào việc chống ngập cho TP Hồ Chí Minh khi có lượng mưa lớn đầu nguồn…” - Phó Tổng giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang cho hay.

Bên cạnh giải pháp chiến lược nhằm bảo đảm cấp nước an toàn, Sawaco luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án cấp nước trong điều kiện khẩn cấp khi xảy ra sự cố. Theo đó, ngành cấp nước thành phố sẽ cấp nước qua hệ thống giếng nước ngầm, xe bồn, bồn chứa nước tập trung, các mô đun xử lý di động, để hạn chế thấp nhất sự gián đoạn cấp nước liên tục cho người dân.

Lê Chi