Bài học môi trường từ khủng hoảng

- Thứ Hai, 08/06/2020, 07:59 - Chia sẻ
Hẳn nhiều người còn nhớ khung cảnh vắng lặng ở Venice, những đại lộ không bóng người nơi thành phố không ngủ New York thời đỉnh điểm toàn thế giới căng mình chống dịch Covid-19. Tuy những hình ảnh chưa từng có đó là hậu quả của một cuộc khủng hoảng y tế toàn diện, nhưng ở mặt nào đó, nó dạy cho chúng ta bài học đắt giá về những giá trị cốt lõi của môi trường.

Sạch đến bất ngờ

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, khi các lệnh cách ly, giãn cách xã hội trên thế giới được áp dụng nghiêm ngặt nhất tại lục địa già để hạn chế sự lây lan của virus Corona chủng mới - SAR-CoV-2, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đưa ra  báo cáo cho thấy, lượng nito dioxide (loại khí thải gây ngộ độc và các bệnh về đường hô hấp) tại một số thành phố lớn ở châu Âu đã giảm khoảng 40%.

Theo hình ảnh tổng hợp của báo cáo, nồng độ khí độc này trong khoảng thời gian từ giữa tháng 3 năm nay ở Pháp, Italy và Tây Ban Nha giảm rất mạnh so với năm ngoái. Ông Alberto Gonzalez Ortiz, chuyên gia về chất lượng không khí thuộc Cơ quan Môi trường châu Âu tiết lộ: “Sau khoảng 4 tuần đóng cửa thành phố, tại Milan (Italy), lượng khí nito dioxide giảm 25% so với những tuần trước đó và giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái”. Ở Madrid, Thủ đô của Tây Ban Nha, mức giảm cũng đạt tới con số 50%.

Hiện tượng không khí được làm sạch không chỉ xảy ra ở châu Âu. Thời cao điểm chống dịch Covid-19, tại châu Á, quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ cũng ghi nhận chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt. Còn tại Trung Quốc, số ngày có chất lượng không khí tốt ở các thành phố lớn tăng 11,4% so với cùng thời điểm vào năm ngoái. Mức ô nhiễm không khí tại New York cũng giảm 50% nhờ các biện pháp hạn chế đi lại để chống dịch Covid-19.

Đáng ghi nhận hơn, tình trạng ô nhiễm nước ở các sông hồ cũng được cải thiện. Chẳng hạn, việc dừng các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường thủy nổi tiếng tại Venice (Italy) đã biến nước trong các kênh rạch thuộc khu vực này trong hơn. Thậm chí, người ta có thể nhìn thấy những chú cá tung tăng bơi lội.


Nguồn: ITN 

Mở ra một hướng đi

Theo lý giải của các chuyên gia, nồng độ khí độc trong môi trường giảm đáng kể như vậy là nhờ hạn chế giao thông, cũng như tạm ngừng các hoạt động sản xuất công nghiệp ở nhiều nơi. Ông Zoltan Massay  Kosubak, phụ trách sức khỏe cộng đồng của châu Âu khẳng định: “Hẳn rằng hoạt động của con người, đặc biệt là việc đi lại, sản xuất đang khiến môi trường ô nhiễm rất nghiêm trọng. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng sống và sức khỏe chúng ta”.

Tình hình không khí được cải thiện nhắc nhở con người cần thay đổi lối sống theo hướng bền vững. Các nhà khoa học luôn nghiên cứu tác động của khí thải từ công nghiệp, giao thông với biến đổi khí hậu và sức khỏe con người. Giờ đây, họ đang nỗ lực tìm hiểu tác động tiềm ẩn của đại dịch Covid-19 đối với môi trường khi các quốc gia áp dụng biện pháp cách ly hoặc gián đoạn các chuyến bay.

Lẽ dĩ nhiên, không người làm khoa học hay bảo vệ môi trường nào lại mong muốn không khí được cải thiện theo cách này, bởi nó có thể làm gián đoạn các hoạt động kinh tế và gây tác động lớn đến đời sống xã hội nếu kéo dài. Nhưng nhiều bài báo quốc tế chỉ rõ, đại dịch lần này cho thấy, loài người hoàn toàn có thể thay đổi các hoạt động của mình theo hướng tích cực như thế để xử lý các cuộc khủng hoảng, trong đó có cả chống biến đổi khí hậu, vấn đề lâu nay vẫn bị coi là dậm chân tại chỗ.

Tờ The Hill của Mỹ cho rằng, giờ không phải là lúc phán xét đúng sai khi các nhận định của nhiều nhà nghiên cứu bị phớt lờ hay phản ứng chậm chạp của nhiều chính phủ. Đây là thời điểm quan trọng để tập trung vào việc áp dụng những bài học rút ra khi ứng phó với đại dịch, từ đó có chính sách hợp lý chống biến đổi khí hậu trong tương lai. Các hãng truyền thông lớn khác trên thế giới cũng đưa ra quan điểm, nhiều quốc gia đã có những bước đi lớn chưa từng có để bảo vệ người dân trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện tại, vì vậy hy vọng rằng họ sẽ có những hành động nhanh hơn khi nhận thấy tính cấp bách mà biến đổi khí hậu gây ra.

Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến nhận định, việc trì hoãn sản xuất hoặc tạm ngừng giao thông chỉ là giải pháp tạm thời. Khi dịch bệnh qua đi, nhịp sống trở lại bình thường, môi trường lại tiếp tục bị ô nhiễm như trước. Nhưng ông Nicholas, một nhà nghiên cứu người Thụy Điển giải thích, những lúc khủng hoảng thế này giúp con người nhận thức rõ giá trị cốt lõi thực sự. Đó là thời gian dành cho gia đình và nhận thức về sức khỏe cộng đồng. Nếu những thay đổi đó duy trì, sự phát thải khí vẫn được duy trì ở mức thấp. Đồng ý kiến, tỷ phú Bill Gates cũng cho rằng, nỗ lực chống dịch Covid-19 có thể tạo điều kiện cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Ông cảm thấy lạc quan khi đại dịch hiện nay giúp thế giới xích lại gần nhau hơn và sẵn sàng để ứng biến với những cuộc chiến tiếp theo.

Ngọc Minh