Nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh

Bài cuối: Tạo động lực để đại biểu hoạt động tích cực

- Thứ Hai, 01/06/2020, 07:21 - Chia sẻ
Nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, một giải pháp quan trọng là cần thống nhất trên toàn quốc các quy định, tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, chấm điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với từng đại biểu HĐND theo từng năm và cả nhiệm kỳ; gắn với lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, để các tỉnh có căn cứ xây dựng quy chế đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu HĐND tỉnh. Quy định này sẽ tác động tích cực đến việc thực thi trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng đại biểu.

>> Bài 1: Tăng đại biểu chuyên trách, tái cử

Không thể đánh giá chung chung

Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND như: Chưa có quy định chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét, đánh giá hoạt động của đại biểu HĐND. Đặc biệt, hiện nay không có văn bản quy định, hướng dẫn việc xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu HĐND nói chung và đại biểu HĐND tỉnh nói riêng. Do vậy, trên thực tế việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND chưa được thống nhất thực hiện đối với đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thực tế hiện nay, có những tỉnh ban hành và thực hiện quy chế, tiêu chí để đánh giá, xếp loại đại biểu HĐND tỉnh hàng năm. Bên cạnh đó, có tỉnh không thực hiện được việc đánh giá, xếp loại đại biểu HĐND tỉnh. Đối với Vĩnh Phúc, việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đại biểu được Đảng đoàn HĐND tỉnh phối hợp với cấp ủy nơi đại biểu sinh hoạt thực hiện. Việc đánh giá, xếp loại hoạt động của đại biểu HĐND được thường trực HĐND tỉnh giao cho tổ đại biểu nơi đại biểu công tác thực hiện tại các buổi họp tổ cuối năm, có báo cáo kết quả về thường trực HĐND tỉnh; đồng thời, yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền nơi đại biểu công tác đánh giá, xếp loại gắn vào việc đánh giá cán bộ, công chức hàng năm tại nơi công tác của đại biểu.

Việc không có quy định cụ thể trong đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu HĐND như hiện nay dẫn đến mỗi tỉnh thực hiện một kiểu. Đối với những tỉnh chưa có đánh giá xếp loại thì sẽ rất khó khăn cho việc đánh giá chất lượng đại biểu HĐND tỉnh, vô hình trung sẽ đánh đồng đại biểu hoạt động tích cực cũng như chưa tích cực. Nếu cứ chung chung thì người hoạt động tích cực sẽ không được động viên tinh thần để phát huy năng lực, còn người không hoạt động thì cũng không bị nhắc nhở, như vậy là không công bằng.


Một phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc
Ảnh:  Nguyễn Trang

Thống nhất các quy định, tiêu chí đánh giá

Thực tế trên cho thấy, để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, trước hết cần xem xét lại cơ cấu đại biểu để giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể; việc chọn bầu cử đại biểu HĐND không nên nặng về cơ cấu, nhất là cơ cấu mang tính hình thức, mà nên coi trọng phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực công tác, tâm huyết với hoạt động của HĐND. Do đó, cần đặc biệt chú ý tiêu chuẩn của đại biểu “Có năng lực đóng góp vào hoạt động của HĐND, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu”.

Bên cạnh đó, Quốc hội cần thống nhất trên toàn quốc các quy định, tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, chấm điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với từng đại biểu HĐND theo từng năm và cả nhiệm kỳ; gắn với lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể để các tỉnh có căn cứ xây dựng quy chế đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu HĐND tỉnh. Bộ tiêu chí đánh giá quy định cụ thể từng hoạt động, thể hiện bằng thang điểm. Trong đó, việc chấm điểm đại biểu dựa trên các tiêu chí như: Báo cáo kết quả hoạt động trong năm trước cử tri theo quy định; việc tham gia các kỳ họp; thực hiện quyền chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh; việc tham gia các hoạt động giám sát trong năm theo kế hoạch; thực hiện tiếp xúc cử tri; tiếp công dân theo lịch; tham gia họp tổ…

Trong mỗi tiêu chí sẽ thể hiện rõ thang điểm để đánh giá mức độ tham gia của đại biểu tích cực hay không tích cực. Như vậy, sẽ tác động tích cực đến việc thực thi trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ quan dân cử địa phương.

Ngoài việc đánh giá hàng năm, cần có đánh giá đại biểu trong cả nhiệm kỳ. Đối với những đại biểu hoạt động có hiệu quả, cần được biểu dương, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực để họ hăng hái tham gia đóng góp ý kiến, cống hiến vì lợi ích chung. Ngược lại, những đại biểu hoạt động không tích cực thì lấy căn cứ đó (thang đánh giá đại biểu) để nhắc nhở, khiển trách, để đại biểu tự điều chỉnh, hoàn thiện mình. Để công tác khen thưởng thực sự ý nghĩa, kịp thời động viên, khích lệ những cá nhân và tập thể có thành tích nổi trội, tạo động lực thi đua, phấn đấu, HĐND tỉnh cần quy định tỷ lệ xét khen thưởng để tránh tình trạng khen đại trà và tính hình thức; bảo đảm chỉ khen thưởng đối với đại biểu và các tổ chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động HĐND.

Việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh phải bảo đảm tính công khai, dân chủ quyền tự đánh giá của mỗi đại biểu theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Có như vậy, kết quả đánh giá hàng năm sẽ nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các tổ chức và cá nhân đại biểu HĐND tỉnh.

TRANG NGUYỄN