Đánh giá, xếp loại đại biểu HĐND cấp tỉnh

Bài cuối: Cơ sở quan trọng đánh giá, quy hoạch cán bộ

- Thứ Tư, 03/06/2020, 07:09 - Chia sẻ
Kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND tỉnh phải được xác định là một cơ sở quan trọng để các cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ tổng hợp vào kết quả chung trong đánh giá cán bộ hàng năm; là cơ sở để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ; cơ sở khen thưởng, giới thiệu, bồi dưỡng quy hoạch cán bộ; cơ sở để kiến nghị việc xem xét miễn nhiệm, bãi miễn đối với đại biểu HĐND tỉnh không hoàn thành nhiệm vụ…

>> Bài 1: Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND

Bên cạnh kết quả đạt được, việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh Hà Nam cũng còn một số hạn chế như: Việc chuẩn bị báo cáo kết quả hoạt động và Phiếu tự chấm điểm hoạt động hằng năm của một số đại biểu chưa sát với thực tế hoạt động, chưa mạnh dạn tự phê bình; có đại biểu chưa coi trọng đúng mức công tác đánh giá, xếp loại; việc họp các Tổ đại biểu, các Ban HĐND đánh giá có đơn vị còn chưa đầy đủ thành viên nên phần nào ảnh hưởng chất lượng thảo luận, đánh giá…


Đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam thảo luận các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh
Ảnh: N. Hoàng

Làm tốt khâu cung cấp thông tin

Từ thực tế triển khai đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam nhận thấy, trước hết cần làm tốt việc quán triệt công tác đánh giá đại biểu theo các văn bản quy định liên quan như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương; các nghị quyết, văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm; các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác đánh giá cán bộ như Quyết định 132-QĐ/TW ngày 8.3.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong Hệ thống chính trị; các văn bản hướng dẫn đánh giá cán bộ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và “Hướng dẫn đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021” của Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam đến từng đại biểu HĐND tỉnh. Để mỗi đại biểu nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm trong triển khai, thực hiện nghiêm túc công tác này. Qua đó, chú trọng và có trách nhiệm khi tự đánh giá, xếp loại, cũng như tham gia đánh giá, xếp loại đại biểu khác của HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo làm tốt khâu cung cấp thông tin, phục vụ; tổng hợp đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND tỉnh. Nội dung này giao Văn phòng HĐND tỉnh phối hợp với Thư ký kỳ họp, các Ban HĐND tỉnh trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu HĐND tỉnh (các thông tin về tham dự kỳ họp; tham gia phát biểu, chất vấn; tham gia giám sát;…) để các Tổ đại biểu và đại biểu có cơ sở đánh giá. Phối hợp với các Tổ đại biểu trong việc tổ chức các cuộc họp đánh giá hoạt động của đại biểu. Tổng hợp kết quả đánh giá hoạt động đại biểu HĐND tỉnh của các Tổ đại biểu, các Ban HĐND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Giúp Thường trực HĐND tỉnh theo dõi việc thực hiện, phản ánh kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện về Thường trực HĐND tỉnh để chỉ đạo, giải quyết.

Phát huy giá trị kết quả đánh giá, xếp loại

Quá trình thực hiện, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các Tổ đại biểu, các Ban, các đại biểu HĐND tỉnh trong triển khai đánh giá đại biểu thuộc Tổ, Ban cũng như đánh giá cho các thành phần khác đã được quy định trong hướng dẫn; bảo đảm nghiêm túc, kịp thời, trách nhiệm, khách quan, dân chủ, đúng quy định, bám sát tỷ lệ xếp loại trong Luật Thi đua khen thưởng, Quyết định 132-QĐ/TW ngày 8.3.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cơ sở báo cáo kết quả hoạt động và Phiếu tự chấm điểm hoạt động hằng năm, đại biểu thuộc Tổ, Ban HĐND tỉnh thực hiện đúng quy trình đánh giá, có sự tham gia, góp ý của các thành viên Tổ, Ban kỹ lưỡng, gắn với quá trình theo dõi hoạt động trong năm của các Tổ trưởng, Lãnh đạo Ban đối với đại biểu. Việc đánh giá phải bảo đảm thực chất, tránh biểu hiện nể nang, e dè, nhất là đánh giá đối với Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, sao cho phát huy đúng Quy định về trách nhiệm nêu gương đó là lãnh đạo càng cao thì càng phải làm tốt vai trò nêu gương.

Thực hiện tốt trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh trong xem xét, quyết định việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND tỉnh. Theo đó, trên cơ sở kết quả đánh giá hoạt động đại biểu HĐND tỉnh của các Tổ đại biểu, các Ban HĐND tỉnh, Tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND tỉnh cung cấp đầy đủ thông tin đã tổng hợp về kết quả đánh giá của các Tổ, các Ban đến các thành viên Thường trực HĐND tỉnh, để Thường trực HĐND tỉnh thảo luận, thống nhất những ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai để rút kinh nghiệm trong những lần đánh giá tiếp theo; biểu quyết quyết định việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh.

Đặc biệt, cần đề cao và phát huy giá trị của kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh. Phải xác định đây là một cơ sở quan trọng để các cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ tổng hợp vào kết quả chung trong đánh giá cán bộ hàng năm; là cơ sở xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ (gửi kết quả đánh giá, xếp loại các năm cho các đại biểu, Mặt trận Tổ quốc tham khảo trước khi nhận xét, tín nhiệm đại biểu); cơ sở khen thưởng, giới thiệu, bồi dưỡng quy hoạch cán bộ (là đại biểu HĐND tỉnh); là cơ sở để kiến nghị việc xem xét miễn nhiệm, bãi miễn đối với đại biểu HĐND tỉnh không hoàn thành nhiệm vụ...

NGUYỄN HOÀNG