Các nghị viện thành viên AIPA - Liên bang Malaysia

Quốc hội còn thiếu thực quyền

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:08 - Chia sẻ
Về lý thuyết, theo Hiến pháp Malaysia, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Tuy nhiên, có những tranh cãi đáng kể về tính độc lập của Quốc hội Malaysia. Một số người chỉ trích cơ quan này chỉ đơn thuần là “cơ quan con dấu”, phê chuẩn hầu hết mọi quyết định của nhánh hành pháp.

 Nhà nghiên cứu hiến pháp người Malaysia Shad Saleem Faruqi đã thống kê và tính toán rằng 80% tất cả các dự thảo luật mà Chính phủ đệ trình từ năm 1991 đến năm 1995 đều được Quốc hội thông qua mà không có bất kỳ sửa đổi nào. 15% dự thảo khác bị rút do áp lực từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các quốc gia khác, trong khi chỉ có 5% được Quốc hội sửa đổi. Shad kết luận rằng "quá trình lập pháp về cơ bản là một quy trình hành pháp, chứ không phải là một quy trình nghị viện”.

Về mặt lý thuyết, Quốc hội kiểm soát các vấn đề liên quan đến lập pháp và tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan lập pháp bị lên án là có "xu hướng trao quyền lực rộng rãi cho các bộ trưởng để ban hành các đạo luật ủy quyền (hình thức ủy quyền lập pháp)", và một phần đáng kể thu nhập của Chính phủ không nằm trong tầm kiểm soát của Quốc hội. Chẳng hạn như các công ty nhà nước trực thuộc Chính phủ như Petronas thường không chịu trách nhiệm trước Nghị viện.

Theo quy định, Quốc hội thực hiện chức năng giám sát Chính phủ thông qua hoạt động chất vấn cũng như thông qua các ủy ban giám sát đặc biệt, được thành lập để xem xét một vấn đề cụ thể. Nhưng trên thực tế, chỉ có 6 Ủy ban Giám sát được thành lập từ năm 1970, khi Quốc hội tái lập sau sự kiện ngày 13.5.1963. Trong số này, 3 ủy ban được thành lập trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2005.

Chất vấn thường được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để giám sát quyền lực của hành pháp, nhưng các học giả cho rằng thời gian chất vấn mà các nghị sĩ dành ra để hỏi các bộ trưởng về chính sách thường không đủ hoặc không hiệu quả. Học giả Shad đã tính toán rằng, do thời gian cho các phiên chất vấn và hỏi đáp chỉ kéo dài một tiếng, do vậy tối đa các nghị sĩ có thể chất vấn các bộ trưởng khoảng 12 câu hỏi. Lãnh đạo phe đối lập Lim Kit Siang của Đảng Hành động Dân chủ (DAP) tính toán rằng trong vòng ba ngày (từ 10 - 13.10.2005), chỉ có 32 câu hỏi chất vấn được trả lời trực tiếp. Trong số đó, chỉ có 28% phần trăm được các bộ trưởng liên quan trả lời trực tiếp. Số còn lại do các thứ trưởng (41%) hoặc các bộ trưởng phụ trách Quốc hội (31%) trả lời. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2008, Thủ tướng Abdullah Badawi đã cải tổ lại Nội các, xóa bỏ chức danh bộ trưởng phụ trách Quốc hội, một quyết định mà tờ The Sun sau đó đã hoan nghênh như một động thái "buộc các bộ trưởng và thứ trưởng phải đối mặt với những buổi chất vấn đúng nghĩa tại hội trường Quốc hội”.

Thảo luận về ngân sách cũng là một trong những công cụ giám quan trọng của Quốc hội đối với Chính phủ. Hàng năm sau khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính đệ trình, dự thảo ngân sách sẽ được chuyển cho Quốc hội thảo luận. Tuy nhiên, hầu hết các nghị sĩ dành phần lớn thời gian để chất vấn Chính phủ về các vấn đề khác. Học giả Shad cho rằng, mặc dù theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội có khoảng 20 ngày để thảo luận về ngân sách, nhưng trên thực tế "cuộc tranh luận về ngân sách được sử dụng để chất vấn Chính phủ về mọi việc trừ ngân sách. Từ tình trạng ổ gà trên các đường giao thông đến chính sách giáo dục cho người nhập cư bất hợp pháp". Nếu Quốc hội không thông qua dự thảo ngân sách, đây được coi là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ. Chính phủ sau đó sẽ buộc phải cải tổ bằng một nội các mới và có thể là thủ tướng mới, hoặc thủ tướng phải kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn. Do đó, Shad cho rằng "Các nghị sĩ có thể chỉ trích, nhưng thường họ sẽ vẫn đồng thuận với dự thảo ngân sách và Chính phủ luôn có cách của mình cho những gì liên quan đến ngân sách”.

Trong cuốn sách năm xuất bản năm 1970 có tên “The Malay Dilemma” (Thế lưỡng nan của Malaysia), cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad nhận định: "Nhìn chung, các cuộc họp của Quốc hội được coi là một nghi thức dễ chịu, cho phép các đại biểu có cơ hội được thảo luận, nhưng điều đó hoàn toàn không có tác động hay ảnh hưởng gì nhiều đến các hoạt động của Chính phủ. Các phiên họp đó là sự nhượng bộ đối với việc thực hành dân chủ một cách hình thức. Giá trị chính của nó nằm ở cơ hội phô trương sức mạnh của Chính phủ”. Các nhà phê bình đã coi Quốc hội là "lối thoát an toàn cho sự bất bình của những người ủng hộ hoặc thành viên phe đối lập", và là cơ quan để "tán thành các đề xuất của Chính phủ" thay vì là cơ quan kiểm tra và giám sát các quyết định của Chính phủ.

Quốc Đạt