Chính sách làm việc 4 ngày một tuần trên thế giới

Giải pháp thời đại dịch Covid-19

- Chủ Nhật, 20/09/2020, 08:38 - Chia sẻ
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do phải áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn ngừa sự lây lan và những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới đang nghiêm túc xem xét đến giải pháp cắt giảm giờ làm việc trong tuần xuống 4 ngày.

Làm việc ít đi… để khôi phục kinh tế và tránh lây lan virus

Đầu năm nay, vào thời điểm trước khi virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, tác giả Andrew Barnes, người New Zealand, đang quảng bá cuốn sách mà ông là đồng tác giả viết về những lợi ích của tuần làm việc 4 ngày. Khái niệm này đã thu hút chú ý sau khi công ty của ông là Perpetual Guardian, cùng với Microsoft Nhật Bản trở thành những tít lớn trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng vì đưa ra chính sách tuần làm việc 4 ngày giúp năng suất và sự hài lòng của người lao động tăng vọt.

Trong bối cảnh đó, ý tưởng tuần làm việc 4 ngày càng trở nên thôi thúc hơn vì nhiều lý do rất khác nhau. Vào tháng 5, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern gợi ý, một tuần làm việc kéo dài 4 ngày có thể thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Theo bà, nếu các cá nhân sử dụng kỳ nghỉ cuối tuần dài để đi tham quan tại địa phương, hoạt động đó có thể bù đắp cho sự thiếu hụt du khách nước ngoài ở quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch này. Nữ lãnh đạo xứ Kiwi đề nghị các doanh nghiệp xem xét phương án trên cho nhân viên cùng nhiều giải pháp làm việc linh hoạt khác nhằm tạo thời gian cho mọi người mua sắm, du lịch cũng như cân bằng cuộc sống sau lệnh cách ly.

Nhìn sang nước Mỹ, một nhóm các nhà kinh tế lại sử dụng các bài xã luận trên một số tờ báo như The New York Times để khuyến khích ý tưởng sử dụng biện pháp tuần làm việc 4 ngày nhằm mở cửa lại nền kinh tế. Họ đề xuất, sau khi làm việc trong 4 ngày, mọi người nên cách ly 10 ngày (trong đó có 3 ngày nghỉ cuối tuần) và có thể làm việc bán thời gian lúc này. Khoảng thời gian đó đủ để triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (nếu có) trở nên rõ ràng trước khi người lao động trở lại làm việc. Bằng cách trên, các cá nhân vừa có thể kiếm sống, vừa làm giảm nguy cơ lây truyền virus.

Nhiều nhà tuyển dụng ở xứ sở cờ hoa thậm chí đang sử dụng tuần làm việc 4 ngày như biện pháp tiết kiệm chi phí thời đại dịch. Vào tháng 5, các nhà báo của tờ Los Angeles Times, Mỹ từng nhất trí với kế hoạch như vậy kèm theo việc giảm 20% lương trong ba tháng để tiết kiệm tiền cho tờ báo đang gặp khó khăn. Hãng Stanley Black & Decker cũng cắt giảm lịch làm việc của một số lao động xuống còn 4 ngày/tuần như một phần của nỗ lực tiết kiệm chi phí tổng thể, bao gồm cắt giảm lương và sa thải bớt nhân công.

Còn ở đảo quốc sư tử, hồi tháng 6 vừa qua, nghị sĩ Mohamed Irshad gợi ý Singapore nên chuyển truyền thống tuần làm việc 5 ngày sang chỉ làm 4 ngày và ngày làm việc thứ 5 có thể được thực hiện tại nhà, từ đó giúp người lao động có cuộc sống cân bằng. Theo ông, chính đại dịch Covid-19 đã buộc người dân nước này phải thích nghi với cách sắp xếp làm việc mới trong một khoảng thời gian ngắn hơn.

Trong khi đó, ở đất nước lá phong, Thủ tướng Justin Trudeau vào tháng 5 cũng không loại trừ ý tưởng về một tuần làm việc 4 ngày ở Canada như một cách để thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo ông, có rất nhiều ý tưởng sáng tạo liên quan đến việc hình dung thế giới hậu Covid-19 sẽ như thế nào. Tuy nhiên, Canada vẫn ưu tiên tập trung vào giải quyết những vấn đề cấp bách hơn.

Nguồn: ITN

“Làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc”

Tại Anh, cuối tháng 6 vừa qua, nhiều nghị sĩ đã kêu gọi Chính phủ giảm ngày làm việc trong tuần xuống còn 4 ngày trong những tháng tới để khôi phục kinh tế khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế. Theo họ, giảm giờ làm sẽ đem lại nhiều cơ hội tốt hơn không chỉ tốt cho kinh tế mà còn cho xã hội, nền dân chủ và môi trường trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp ở xứ sở sương mù đang tăng nhanh chóng, lên tới 2,8 triệu người. Nó được coi là một trong những cách tốt nhất để “tái cấu trúc mang tính nền tảng cho nền kinh tế, giúp việc làm được chia sẻ công bằng hơn”.

Trong bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, các nghị sĩ khẳng định: “Thời gian làm việc ngắn hơn từng được sử dụng trong lịch sử để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế”. Họ dẫn chứng, biện pháp giảm giờ làm để giải quyết tình trạng thất nghiệp trong thời kỳ đại suy thoái những năm 1930 ở Mỹ đã dẫn đến tuần làm việc 40 giờ, mỗi ngày 8 tiếng ngày nay. Thực tế, trong cuộc tổng bầu cử cuối năm ngoái ở Anh, khái niệm tuần làm việc 4 ngày lần đầu tiên đạt được xung lực khi Công đảng đề xuất chính sách tuần làm việc 32 giờ mà không bị trừ lương trong vòng 10 năm. Nghị sĩ Công đảng John McDonnell cho rằng: “Chúng ta làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc”.

Mặc dù trên thế giới, vẫn còn nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc áp dụng lịch làm việc mới khi mà truyền thống tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày vẫn tồn tại gần một thế kỷ qua. Hơn nữa, một số ngành khó áp dụng như khách sạn và bán lẻ cũng khiến ý tưởng trên gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, những người đi tiên phong đã chứng minh, hệ thống làm việc 4 ngày/tuần thực sự hoạt động hiệu quả. Vì vậy, nhiều chuyên gia dự báo sẽ có thêm nhiều công ty tham gia trào lưu này. Dù dịch Covid-19 đã gây ra thảm họa kinh tế khủng khiếp, khiến hàng triệu người mất việc làm, nhưng một số người vẫn coi đây là cơ hội lý tưởng định hình tương lai của việc làm, đồng thời tái suy nghĩ về mô hình làm việc mới có thể cải thiện kinh tế và cuộc sống người lao động.

Linh Anh