Tháng 7 tri ân

Bài 2: Về miền “đất lửa”

- Thứ Ba, 28/07/2020, 09:29 - Chia sẻ
Từ vùng hoa đá biên cương nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang trở về, sau một giấc còn bồng bềnh, lắc lư bởi dư chấn của những khúc đường cua tay áo, Đoàn công tác của Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục chuyến hành trình về với: “Miền Trung/ Đòn gánh oằn hai đầu đất nước… Cá gỗ, sắn khoai, nhút cà, rau má/… Những đứa con/ Quăng mình vào máu lửa/ Dựng nên thành đồng Tổ quốc tôi”… - nơi có những địa danh đã trở thành huyền thoại bất tử như: Sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9…

“Những thành đồng của Tổ quốc”

Qua khung cửa kính ô tô nhìn ra ngoài tuyến đường Quốc lộ 1A nối liền hai miền Nam - Bắc, chúng tôi nói với nhau rằng: Vùng đất miền Trung có cái gì đó rất riêng, rất lạ, chẳng thể lẫn vào đâu. Vùng đất gì đâu mà quanh năm nắng lửa, lũ nguồn nhưng vẫn tạo nên khí chất của con người hào sảng, khỏe khoắn như điệu dô khoan, hò khoan, trọng nghĩa tình lại vô cùng quyến rũ như câu ví dặm… Câu chuyện cứ thế trôi đi và rồi sau hơn nửa ngày đường vượt hơn 600km, Đoàn chúng tôi cũng đã có mặt tại mảnh đất lửa linh thiêng Quảng Trị - nơi được xem là điểm “tỳ vai” của chiếc “đòn gánh” hai đầu đất nước.

 

Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn
Nguồn: ITN

Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình là Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 - nơi yên nghỉ của hơn một vạn anh hùng, liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ trên mặt trận Đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên mộ phần các Anh hùng liệt sĩ, lòng chúng tôi chùng xuống trước những tấm bia mộ trắng còn chưa có tên. Văng vẳng bên tai lời thơ: “Bình yên sau cuộc chiến tranh/ Anh trở về không tên, không tuổi/ Trắng hàng bia những ngôi sao không nói/ Rưng rưng cỏ mọc dưới chân”…

Trong không khí trang nghiêm ấy, lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân đã cùng thỉnh 9 hồi chuông và dành phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ của cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Rời Nghĩa trang Đường 9, Đoàn chúng tôi tiếp tục đến với Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn.

Nơi đây, suốt 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, hàng nghìn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Máu xương của các anh đã tan vào đất mẹ, hòa trong sóng nước mênh mang của dòng Thạch Hãn: “Ôi 81 ngày đêm đất trời ken dày bom đạn/ Cát trắng rang vàng nghiêng lệch cả dòng sông…”. Có lẽ, cũng bởi linh hồn các anh đã hòa quyện với đất trời nên Thành Cổ được ví như một nghĩa trang không có nấm mồ, chỉ có một đài tưởng niệm, trung tâm được mô hình hóa thành ngôi mộ chung cho những người con đã anh dung hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Đến thăm khu Bảo tàng Thành cổ - nơi có Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân thành Quảng Trị”, tác phẩm hai cha con ông lão chèo đò - cô con gái đội mũ tai bèo ngồi ôm khẩu súng với nỗi lo thoáng hiện trên gương mặt, còn ông cụ ở trần, tay ghì chặt bánh lái con thuyền và cười rạng rỡ… chúng tôi đã khóc khi đọc lá thư chưa kịp gửi của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ tư, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Người lính trẻ ấy viết bức thư cuối cùng vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, khi sự khốc liệt của đạn bom lên đến tột cùng. Bức thư của anh không kịp gửi, bởi anh cùng đồng đội đã ngã xuống…

Những câu chuyện đã khiến thời gian và không gian như ngưng đọng. Chúng tôi rời đi, dường như đều nhẹ bước chân hơn bởi như bên tai có ai đó nhắc nhở: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây… Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào…”.

Chia tay Thành cổ, Đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Cái nắng về trưa như lửa hắt vào mặt nhưng hai bên cánh rừng gió vẫn xao xác thổi… Trên bản đồ hình chữ S của đất nước Việt Nam có bao nhiêu tỉnh thành thì nơi đây có bấy nhiêu khu mộ, với nhà tưởng niệm được xây dựng mang dáng dấp quê hương của các liệt sĩ…

Dừng chân ở Khu mộ liệt sĩ, chúng tôi quay sang trò chuyện và nhắc nhở nhau: Đến đây, để chúng ta thấu được nỗi đau của chiến tranh, tôn trọng giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc. Và, tự nhắc lòng mình phải sống có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước. Bởi: “Có hôm nay là xương máu đổi về/ Của bao người đã tràn trề thương tích/ Của các anh vẫn chưa rõ lai lịch/ Ở nghĩa trang hay núi cát, sông rừng…”.

 

Quyết tâm và khát vọng

Rời Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn trong buổi chiều hoàng hôn sâu lắng của núi rừng, ráng chiều đỏ buông trên đường Hồ Chí Minh, những chuyến xe ra Bắc vào Nam vẫn nhộn nhịp, chúng tôi quay về mà lòng vẫn liên tưởng đến con đường Trường Sơn một thời khói lửa đã ghi dấu ấn của những người con huyền thoại trong lòng người dân đất Việt.

Đón chúng tôi bằng một bữa cơm ấm cúng tại thành phố Đông Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết: Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Đây không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào của một dân tộc kiên trung… “Chiến tranh kết thúc, với mốc xuất phát điểm là con số âm, địa phương bắt đầu với “cuộc chiến” chống nghèo nàn, lạc hậu. Từ đây, bản lĩnh, trí tuệ, sự cần cù, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân được phát huy, hướng vào xây dựng quê hương ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đặc biệt, với phương châm “Hành động quyết liệt, về đích toàn diện, tạo đà bứt phá”, Quảng Trị đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, quan tâm xây dựng văn hóa con người nhằm khơi dậy, phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người Quảng Trị đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển…

Tiếp lời Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tự hào chia sẻ thêm: Mặc dù là vùng đất “hội tụ” của những bất lợi so với các địa phương khác trong cả nước nhưng Quảng Trị đã biến bất lợi thành lợi thế phát triển của một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực miền Trung tương lai; những cảng biển nhộn nhịp tàu vào ra tiếp nhận nông sản có tên trong bản đồ nông sản quốc tế như: Cà phê Khe Sanh, hồ tiêu Gio An, gạo và các sản phẩm hữu cơ... Bên cạnh đó, Đường 9 đã trở thành tuyến đường xuyên Á trên Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với một thương hiệu du lịch hết sức độc đáo: “Một ngày ăn cơm 3 nước”... Quảng Trị đang vươn lên từ chính những tiềm năng, thế mạnh của mình.

Trên bước đường chinh phục khát vọng hưng thịnh của mình, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn như: Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, nội lực vẫn chậm được cải thiện; việc triển khai thực hiện một số chương trình, đề án, lĩnh vực trọng điểm mang tính đột phá còn chậm; kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành mệnh lệnh hành chính ở một số đơn vị chưa nghiêm… “UBND tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết kịp thời đúng pháp luật đơn thư khiếu nại tố cáo; thực hiện tốt công tác đối ngoại, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…”, ông Võ Văn Hưng cho biết.

Và hôm nay, đi trên những con đường rải nhựa và bê tông kiên cố, được ngắm nhìn những ngôi trường, nhà cao tầng, mái ngói xây dựng khang trang… chúng tôi vui mừng vì sau những nỗ lực chắt chiu, hoa đã nở, cây cối đã thắm xanh trên những hố bom tọa độ... Rời Quảng Trị trong ngày nắng mới, chúng tôi: “Ghé Cửa Tùng, Cửa Việt biển biếc xanh/ Nghe sóng vỗ thì thầm bờ cát trắng/ Bình minh thức quê ta đầy nắng/ Lòng tự hào về Quảng Trị đất linh thiêng…”.

Và tiếp tục hành trình về với miền cát trắng…

 

Ghi chép của BÁCH HỢP - DIỆP ANH