Vai trò của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động của Indonesia

Vai trò định hướng còn thiếu nổi bật

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 08:27 - Chia sẻ
Nhà nước thường đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, ở Indonesia, vai trò của Nhà nước còn khá mờ nhạt khi các chính sách liên quan chưa được quan tâm một cách thỏa đáng.

Chính sách về xuất khẩu lao động còn lỏng lẻo

Những văn bản pháp lý đầu tiên liên quan đến vấn đề gửi lao động Indonesia ra nước ngoài được biết đến trong thời gian là thuộc địa của Hà Lan là một số sắc lệnh của chính quyền thực dân Hà Lan, ban hành vào thập kỷ cuối thế kỷ XIX, trong khuôn khổ những ký kết với Chính phủ Anh về việc cung cấp lao động cho các công trình của thực dân Anh ở Malaysia và Singapore. Phải đến những năm cuối của thập kỷ 70 thế kỷ XX Chính phủ Indonesia mới bắt đầu lên chương trình xuất khẩu lao động, nhưng tất cả các văn kiện pháp luật liên quan đến lao động di dân được ban hành chỉ ở cấp bộ. Đến năm 1988 Nghị định số 5 do Bộ Lao động Indonesia ban hành quy định các thủ tục phải tiến hành khi gửi người lao động ra nước ngoài trong bối cảnh khối lượng lao động di dân Indonesia ra nước ngoài gia tăng quá nhanh. Cùng trong thời gian đó, một nghị định khác số 1307 công bố các yêu cầu về kỹ thuật đối với lao động di dân Indonesia đến Ảrập Xêút. Về thực chất thì các chính sách này không có thay đổi gì khác so với thời thuộc địa.

Có thể nói hoạt động xuất khẩu lao động của Indonesia chỉ thực sự được chú ý vào những năm cuối thập kỷ 80 và xuất khẩu lao động được xem như một loại xuất khẩu hàng hóa không dầu (non-oil) được nhà nước khuyến khích người lao động tham gia. Tuy nhiên, sự yếu kém của hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động lại làm cho thị trường lao động trở nên phức tạp hơn. Mạng lưới xuất khẩu lao động bất hợp pháp ngày càng lấn át và hậu quả là người lao động trở thành những nạn nhân trực tiếp.

Năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số PER-02/MEN với quy định được đưa ra nhằm làm rõ thủ tục và hệ thống tuyển người đi lao động, bảo vệ người lao động ở nước ngoài cho đến lúc họ trở về nhà, quy định các cơ quan được quyền tham dự vào tuyển lao động, điều kiện và khả năng của các cơ quan tuyển mộ này, quá trình gửi lao động ra nước ngoài...

Ngoài ra, sau một thời gian đẩy mạnh xuất khẩu lao động, Chính phủ Indonesia cũng nhận thấy những kỹ năng và kinh nghiệm mà lao động tích lũy được không đủ để cải thiện chất lượng của người lao động và không mang lại những lợi ích thiết thực cho sự phát triển đội ngũ lao động Indonesia, chính vì vậy lần đầu tiên Chính phủ quy định quota xuất khẩu cho lao động không có tay nghề. Theo nghị định năm 1994, năm 1995, quota này chiếm khoảng 80%, năm 1996 quota bắt đầu giảm còn 60%, năm 1997 là 40% và năm 1998, quota này chỉ chiếm 20% và năm 1999, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ VI, Chính phủ Indonesia hy vọng không còn lao động Indonesia không được đào tạo tìm kiếm công việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Chính phủ đã không mang lại kết quả như mong muốn. Sự kiểm soát của chính quyền dường như chỉ được thực hiện trên giấy tờ hơn là theo tinh thần của luật. Số lượng lao động không có tay nghề ra nước ngoài tiếp tục tăng, mạng lưới bất hợp pháp hoạt động ngày càng mạnh và chính quyền hầu như không kiểm soát được hệ thống này.

Nghị định No KEP 104/MEN/2002 của Bộ Nhân lực và Di trú Indonesia và Nghị định số 157/2003 của Bộ Lao động được ban hành sau đó vẫn không mang lại cho người lao động di dân Indonesia một sự bảo vệ thỏa đáng. Những thiếu sót căn bản của các quy định trước đây như phí tối đa mà người lao động di dân phải trả cho thủ tục xuất cảnh, cơ chế huấn luyện các kiến thức cơ bản và văn hóa của quốc gia nhận lao động cho lao động di dân, cơ chế về trách nhiệm của các văn phòng tuyển mộ đối với việc bảo vệ lao động di dân hay cơ chế để bảo đảm việc chi trả tiền công cho người lao động một cách an toàn và hiệu quả vẫn chưa được quy định rõ.

Sự yếu kém và tình trạng quan liêu của bộ máy hành chính ở Indonesia đã trao "quyền lực tuyệt đối" cho hệ thống tuyển mộ lao động. Đó là các văn phòng tuyển mộ với mạng lưới trung gian dày đặc của nó. Chính vì thế, những người lao động luôn là những nạn nhân trực tiếp của một chính sách không được hoàn thiện mặc dù sự đóng góp của họ chiếm tỷ lệ khá lớn trong thu nhập ngoại tệ của quốc gia. 

Tổ chức và quản lý còn nhiều lỗ hổng

Tại Indonesia, thủ tục để đưa người lao động ra nước ngoài rất phức tạp và tốn kém. Trước hết họ phải trực tiếp liên hệ với một trong các văn phòng của cơ quan lao động Indonesia PJTKI (Perusahaan Jasa Tenaga Kủa Indonesia). Đây là cơ quan duy nhất, với sự cộng tác của AKAN (Sở Quản lý lao động ở nước ngoài) trực thuộc Bộ Lao động Indonesia, chịu trách nhiệm gửi lao động ra nước ngoài. Cơ quan này sau khi liên hệ với quốc gia nhận lao động và nhận được giấy phép của Chính phủ nước này sẽ ký hợp đồng với người lao động di dân tương lai. Sau đó, người lao động phải đăng ký tại một trong những văn phòng của AKAN và chờ được huấn luyện về một số kỹ năng nghề nghiệp trước khi khởi hành. Chính sự rắc rối, phức tạp tốn nhiều thời gian cộng với khoản lệ phí cao làm cho người lao động nản lòng và họ nhanh chóng tìm đến một con đường bất hợp pháp. Hệ thống tuyển mộ bất hợp pháp được hình thành và nhanh chóng phát triển thành một mạng lưới dày đặc, đặc biệt tại các vùng nông thôn nghèo ở Indonesia. Con đường bất hợp pháp này được người lao động tìm đến nhiều hơn vì thủ tục đơn giản và nhanh chóng. Những người trung gian sẽ thu lợi từ cả hai phía: Phía cơ quan tuyển mộ và phía người lao động di dân tương lai. Có thể nói sự quan liêu trong hệ thống hành chính Indonesia đã làm cho những người lao động nghèo phải trả một khoản phí đắt cao hơn giá thị trường nhiều lần.

Vũ Quỳnh