Ngăn ô nhiễm không khí - hành động trước khi quá muộn

Bài 2: "Kẻ giết người thầm lặng"

- Thứ Tư, 24/06/2020, 07:55 - Chia sẻ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí được coi là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí; tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng, là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư thế giới. Chỉ đứng sau cao huyết áp, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Theo phân tích của các chuyên gia y tế, trong các thành phần của ô nhiễm không khí thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể, gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau. Các nghiên cứu còn cho thấy, ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, PGS. TS. Nguyễn Huy Nga cho biết thêm, hiện trên thế giới 9/10 người đang hít không khí bẩn. Mỗi năm có hàng triệu người chết, hơn nửa triệu trẻ em tử vong do ô nhiễm không khí, tỉ lệ người mắc bệnh về hô hấp, trẻ em bị hen suyễn... đang tăng lên rất nhanh, đặc biệt là ung thư phổi. Đặc biệt, nhiều người bị ung thư không phải do hút thuốc, người dân ở các vùng nông thôn có các nhà máy công nghiệp như nhà máy xi măng, khai thác đá có tỉ lệ bị ung thư cao. Vì các ngành công nghiệp, hay phương tiện giao thông xả ra rất nhiều khí thải nguy hiểm cùng các loại bụi mịn PM10, PM5, PM 2.5... mà cơ thể con người không thể tự phòng chống.

Ví dụ điển hình về tình hình ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân tại xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) một trong những xã chịu nhiều ảnh hưởng về ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động phát thải từ 4 - 5 nhà máy xi măng gần đó. Trưởng Trạm y tế xã Thanh Hải Đinh Hồng Tảo cho biết: Trong những năm gần đây số lượng người mắc bệnh và chết vì ung thư, đặc biệt tỷ lệ người chết do ung thư liên quan đến đường hô hấp ngày càng nhiều và cao hơn so với những năm trước. Cụ thể, tổng số ca tử vong tại địa phương tính từ năm 2015 đến 5 tháng đầu năm 2020 là 297, thì tỷ lệ tử vong do ung thư là 83/297, trong đó ung thư về hô hấp chiếm tỷ lệ 39/83 (gần 50%).

Ô nhiễm không khí bủa vây các làng nghề

Dân làng nghề thấp thỏm, lo âu

Xã Phú Yên, (Phú Xuyên, Hà Nội) có 4 thôn, trong đó có 3 thôn làm nghề sản xuất giày dép. Nhờ có nghề truyền thống, nhiều năm nay người dân trở nên giàu có. Tuy nhiên, cũng chính từ nghề này, người dân nơi đây cùng một số xã lân cận như Châu Can, Thượng Yên đang phải gồng mình chống lại nạn ô nhiễm và nỗi lo bệnh tật bởi khói bụi luôn “âm ỉ” nhả khói đen, gây mùi khét lẹt từ rác thải công nghiệp.

Ông Đỗ Văn Lực, thôn Giẽ Hạ bày tỏ: Xã Phú Yên có tới 80 - 90% người dân làm nghề sản xuất và phụ kiện liên quan đến ngành da giày. Nghề này trong nhiều năm qua không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định, mà còn giúp dân vùng này phát triển kinh tế. Thế nhưng, điều đáng buồn là người dân phải hứng chịu ô nhiễm từ khói bụi và nguồn nước do chính sản phẩm mình làm ra. 

Tương tự, làng nghề gỗ ở xã Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội vốn nổi tiếng với những sản phẩm đồ gỗ tinh xảo được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, có một thực tế, hoạt động sản xuất càng phát triển thì không khí ở khu vực này càng bị ô nhiễm. Bụi gỗ phát sinh trong các công đoạn như cưa, xẻ, bào, trộn lẫn cùng với những bụi sơn, dung môi phát tán ra không khí ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Chị Nguyễn Thị Hoài, người dân sinh sống và làm nghề tại cơ sở gỗ khu vực này chia sẻ: Tình trạng ô nhiễm này khá lâu rồi, ngoài phân xưởng sản xuất ra, ở đây có cả các hộ gia đình chiều chiều đốt rác thải. Hoạt động này ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Không chỉ các cháu nhỏ, người già ho hắng, viêm phổi, mà bản thân những thanh niên ở đây cũng thường xuyên mắc các bệnh này; thậm chí có nhiều người mắc bệnh ung thư không rõ nguyên nhân.

BOX: Tại Việt Nam, theo WHO, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất. Cũng theo WHO, Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Bài và ảnh: Hải Thanh

Chú thích ảnh: Ô nhiễm không khí bủa vây các làng nghề

 

 

Hải Thanh