Phối hợp xây dựng, thực hiện chính sách

Bài 2: Sử dụng kết quả phản biện xã hội để góp ý, đề xuất

- Thứ Bảy, 06/06/2020, 07:51 - Chia sẻ
Quá trình hoạt động của HĐND, nhất là thực hiện chức năng giám sát và quyết định cần phát huy đúng mức vai trò của (MTTQ), các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội. Thường trực HĐND phối hợp chặt, sử dụng kết quả phản biện xã hội để góp ý, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách. Sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với UBMTTQ cùng cấp sẽ phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

>> Bài 1: Chủ động phối hợp, đề nghị phản biện xã hội

Mối quan hệ mật thiết, bổ trợ cho nhau

Từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQVN thị xã Phước Long, Bình Phước đã ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa 3 cơ quan, xác định rõ nội dung phối hợp, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi chủ thể. Công tác phối hợp được thực hiện thường xuyên, liên tục trên nhiều lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và nhiệm kỳ tại địa phương.
Để phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững, đòi hỏi cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tính khả thi, chính sách có hiệu ứng tích cực phải phát sinh từ thực tiễn, giải quyết hiệu quả vấn đề thực tiễn đặt ra. Đây là thước đo cụ thể nhất phản ánh hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND. Do đó, xây dựng và ban hành chính sách theo Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, việc đánh giá tác động, lấy ý kiến đối tượng bị tác động bởi chính sách là quy định mang tính bắt buộc nhằm bảo đảm chính sách được ban hành phù hợp thực tiễn, khả thi cao. Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW đã xác định rất rõ trách nhiệm của MTTQ trong phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền. Từ đó, việc thực hiện tốt công tác phối hợp giữa HĐND (cơ quan ban hành chính sách), UBND (thực thi chính sách) và UBMTTQVN (cơ quan phối hợp) có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ cho nhau.

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQVN nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND thị xã tham dự các hội nghị phản biện do UBMTTQVN thị xã tổ chức. Trong đó, có việc thực hiện một số quy định liên quan đến chính sách của tỉnh trên địa bàn còn bất cập như: Phản biện về việc thu phí và lệ phí của 2 trạm thu phí từ Phước Long đi Đồng Xoài với cự ly ngắn (chưa được 70km theo quy định) nhưng có 2 trạm thu phí; phản biện về thực hiện việc xây dựng Văn phòng khối MTTQ và các đoàn thể chính trị thị xã (thêm đầu mối mà không thêm con người và cơ sở vật chất) hoạt động kém hiệu quả; phản biện kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TU của Thị ủy về công tác quản lý đô thị và vệ sinh môi trường…

Thông qua hội nghị và các buổi TXCT, hội viên các đoàn thể và cử tri có nhiều ý kiến trong việc thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, chủ trương cũng như chính sách liên quan đến việc nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố (áp lực công việc với đồng chí Bí thư khu phố), trong đó cấp phó không có phụ cấp dẫn đến hoạt động kém hiệu quả; Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước, chính sách liên quan đến nông nghiệp phát triển nông thôn; hay ý kiến, kiến nghị tỉnh xem xét kéo dài thời gian thực hiện chương trình đầu tư 1.000km đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù thêm 1 năm nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn theo cơ chế này. Thông qua phản biện của MTTQ, có những nội dung đã kịp thời đề xuất điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.


Tổ đại biểu HĐND tỉnh Bình Phước phối hợp tổ chức TXCT 2 cấp trên địa bàn thị xã Phước Long 
Ảnh Công Hữu

Phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân

Thực tiễn hoạt động cho thấy, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong xây dựng và ban hành chính sách, sau khi HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, Thường trực HĐND cần kịp thời theo dõi, phối hợp đề nghị UBND tổ chức thực hiện nghị quyết. Trường hợp quá trình tổ chức thực hiện nảy sinh vướng mắc, bất cập cần tổng hợp, trao đổi thông tin để kiến nghị với cơ quan cấp trên xử lý phù hợp và kịp thời nhất.

Sau mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh, thông qua hoạt động TXCT của Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Phước Long, Thường trực HĐND - UBMTTQVN thị xã phối hợp với Tổ đại biểu thông tin đến cử tri kết quả kỳ họp, tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện nội dung các quyết sách đã được HĐND thông qua. Thực hiện tốt công tác này sẽ giúp nội dung chính sách đến người dân, đối tượng chịu sự tác động nhanh hơn. Đồng thời qua TXCT, đại biểu HĐND các cấp sẽ dễ tiếp nhận nhiều thông tin phản hồi từ đối tượng được áp dụng chính sách để kịp thời trao đổi trong quá trình thực hiện, hoặc đề nghị cấp trên điều chỉnh, bổ sung trong trường hợp nội dung chính sách chưa phù hợp thực tiễn tại địa phương.

Việc đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống là một quá trình chịu sự tác động của nhiều yếu tố nên cần có các giải pháp hữu hiệu trong thực hiện chính sách. Do vậy, công tác phối hợp giữa UBND và UBMTTQVN trong tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ thực hiện sẽ giúp thông tin chính sách đến với đối tượng thụ hưởng dễ dàng hơn. Tại Phước Long, HĐND-UBND-UBMTTQ thị xã đã tích cực phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều quyết sách do HĐND tỉnh ban hành như: Chương trình 1.000km đường giao thông nông thôn, Chương trình giảm 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo…

Đặc biệt, quá trình hoạt động của HĐND, nhất là thực hiện chức năng giám sát và quyết định, cần phát huy đúng mức vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội. Thường trực HĐND thị xã phối hợp chặt, sử dụng kết quả phản biện xã hội để góp ý, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách. Mọi hoạt động của HĐND đều gắn liền với hoạt động của UBMTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với UBMTTQ cùng cấp sẽ phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

LÊ PHƯỚC