Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ địa phương

Bài 2: Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo

- Thứ Sáu, 05/06/2020, 10:57 - Chia sẻ
Các địa phương đã nỗ lực xây dựng, cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KHCN trên địa bàn. Đồng thời cũng xây dựng cơ chế, chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, từ đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN.

Nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái phát triển

Theo báo cáo từ các địa phương, năm 2019, đã có 13.997 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hoạt động đổi mới công nghệ; có 161 doanh nghiệp được tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ; có 90 công nghệ được chuyển giao, đưa vào ứng dụng; có 72 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện với tổng giá trị là 3.650 triệu đồng. Trong đó nổi bật như: Dự án phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất gạch không nung tại các địa phương Hải Phòng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa; cát nghiền từ đá mạt ở Phú Thọ; điện gió, điện năng lượng mặt trời ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu; Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn đã cho ra đời các sản phẩm dầu mỏ tinh chế với dây chuyền công nghệ hiện đại, robot được sử dụng để thay thế lao động phổ thông tại trang trại Công ty TNHH MTV Bò Sữa Thống Nhất Thanh Hóa, công nghệ cảm biến kết nối internet vạn vật Công ty Cổ phần Lam Sơn …

Cùng với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Kết quả năm 2019: có 41 doanh nghiệp KHCN được thành lập; 361 dự án khởi nghiệp nhận được hỗ trợ từ ngân sách; 370 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp mạo hiểm; 357 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành.

Có 4 địa phương đã chủ động xây dựng Kế hoạch, phối hợp với Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (PTTT và DNKHCN) tổ chức ngày hội khởi nghiệp ĐMST ở quy mô cấp vùng (Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng và Cần Thơ) mang lại kết quả rất tốt, đã lựa chọn được nhiều mô hình tham gia Techfest cấp quốc gia.


Techfest Quảng Ninh 2019 - Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia
Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn dần hình thành, hoạt động hiệu quả như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup. vn và Launch. Một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hình thành trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Insititute, 5 Desire, Hatch!Program và khu vực công lập như vườn ươm đã được thành lập trong Đại học Bách khoa Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm DN chế biến thực phẩm Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh…

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, các tỉnh, thành phố đã đưa ra rất nhiều chương trình, kế hoạch và quyết định để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như: Đồng Nai: Quyết định phê duyệt Kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023”. Thành phố Hồ Chí Minh: Tuần lễ ĐMST và khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 - WHISE 2019”. Bình Dương: Quyết định số 1923/QĐ-UBND về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đưa ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 35.000 - 40.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 3-5% doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh; xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ phát triển hơn 60 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển 35 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ 9 doanh nghiệp khuyến khích hoạt động đổi mới công nghệ và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp với tổng kinh phí 1.840 triệu đồng.

Đặc biệt, tháng 12.2019, tại Quảng Ninh, Techfest Việt Nam 2019 đã thể hiện bức tranh tổng thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua chuỗi các hoạt động hấp dẫn. Techfest năm nay thu hút 6.000 người đến tham dự, trên 800 doanh nghiệp khởi nghiệp, khoảng 300 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 300 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đến đưa tin về sự kiện, đặc biệt Techfest năm nay có các cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư, diễn giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hạn chế và giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN địa phương còn một số mặt tồn tại, hạn chế. Việc đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn không ít trở ngại. Nguyên nhân chủ quan do hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có đủ tiềm lực kinh tế, trình độ và năng lực hoạch định phương án đổi mới công nghệ phù hợp với lộ trình phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, các doanh nghiệp thiếu sự chủ động trong việc tiếp cận công nghệ mới, chưa quan tâm việc đầu tư công nghệ trong sản xuất. Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ; quy mô thị trường còn nhỏ, cho nên sản phẩm chất lượng cao khó ra thị trường.


Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ cho các Sở KHCN địa phương

Nhiều doanh nghiệp ngại đổi mới công nghệ do doanh thu vẫn nằm trong vòng kiểm soát, vẫn đem lại lợi nhuận nên chưa thấy được vai trò của việc đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Về nguyên nhân khách quan, thủ tục để được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước còn rườm rà nên chưa tạo sức hút lớn, đột biến để thúc đẩy các doanh nghiệp quyết liệt đầu tư đổi mới công nghệ. Trong khi đó, các tổ chức làm nhiệm vụ môi giới và cung ứng dịch vụ ứng dụng, phát triển công nghệ như các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp lớn “đầu đàn” chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chuỗi cung và cầu công nghệ còn nhiều hạn chế, thiếu thông suốt. Thị trường khoa học công nghệ ở địa phương chậm phát triển nên doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn cũng như chưa tạo áp lực cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ.

Chưa có sự đồng đều giữa các tỉnh, thành phố mà tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nộị, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An… còn lại các địa phương thuộc các tỉnh/thành vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên… mới dừng lại ở mức độ tuyên truyền, tổ chức các Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật.  Các hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa tỉnh, thành phố trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KHCN địa phương trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm như: các Sở KHCN cần chủ động tham mưu, đề xuất cho Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp khoa học và công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phục hồi nhanh chóng sản xuất, khắc phục mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra. Đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ chế ưu đãi doanh nghiệp theo Nghị định 13…

“Bộ KHCN sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động KHCN nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương phát triển đúng như Kết luận số 50-Kết luận số 50-KL/TW gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KHCN; Tái cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia, nâng cao năng lực ứng dụng KHCN; Phát triển tiềm lực KHCN; Tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh thị trường KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN.

Xuân Tùng