Vai trò của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động của Indonesia

Thực trạng và nguồn lợi từ xuất khẩu lao động

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 17:00 - Chia sẻ
Năm 1976, Indonesia là một trong những nước nghèo trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người là khoảng 50USD/1 năm. Sau 25 năm thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Indonesia đạt khoảng 670USD/1 năm. Mặc dù vẫn còn bị xếp vào danh sách nước nghèo trên thế giới, nhưng vị trí của Indonesia đã được nâng lên ngay sau các nước có thu nhập trung bình theo phân loại của Ngân hàng Thế giới.

Năm 1965, khi Soeharto lên nắm chính quyền, kinh tế Indonesia ở trong tình trạng hết sức khó khăn: tăng trưởng kinh tế bị tuột dốc, thiếu lương thực, lạm phát thường xuyên, hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề... Vì thế, ổn định và tăng trưởng kinh tế trở thành mục tiêu hàng đầu của Indonesia khi đó. Với việc thực hiện chính sách này, mục tiêu mà Chính phủ hướng tới là giải quyết việc làm, tạo ra khối lượng việc làm mới cho lực lượng lao động đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, trên thực tế không phải người lao động nào cũng có cơ hội tìm kiếm việc làm như nhau.

Cuối của thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80, các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới liên quan đến dầu mỏ buộc chính quyền Indonesia phải chuyển hướng chiến lược thực hiện đồng thời chính sách công nghiệp hướng về xuất khẩu với chính sách tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Vì thế, tỷ lệ đầu tư của các công ty xuyên quốc gia tại Indonesia gia tăng khá nhanh, mà đứng đầu là các công ty Nhật. Cơ hội việc làm cũng mở rộng đối với người lao động Indonesia. Tuy nhiên, các cơ hội này đã không trở thành hiện thực bởi lẽ lao động của Indonesia có chất lượng kém: trình độ học vấn thấp, trình độ tay nghề thiếu và yếu, không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư và vì vậy cùng với việc “nhập khẩu” vốn, các xí nghiệp nước ngoài cũng “nhập” cả lao động nước ngoài và số lượng công nhân này tăng theo tốc độ phát triển của các xí nghiệp. Phần lớn các lao động nước ngoài này giữ những vị trí quản lý, điều hành trong sản xuất và đương nhiên là thu nhập của họ cũng cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập của lao động bản xứ. Sự gia nhập của một lực lượng lớn lao động là người nước ngoài tại Indonesia làm cho cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước trở nên khắc nghiệt hơn và người lao động Indonesia luôn là người bị thiệt thòi. Trước thực tế đó, họ phải chấp nhận làm những công việc có thu nhập thấp hay thậm chí chỉ cần có việc làm để có chỗ ăn, nơi ở.

Nghịch lý trên thị trường lao động

Thực trạng trên đã thúc đẩy người lao động Indonesia đi đến quyết định ra nước ngoài tìm việc, đó có thể được xem là như một biện pháp làm giảm áp lực về lao động dư thừa trong nước, đặc biệt là lao động không có kỹ năng. Có một nghịch lý nổi bật ở thị trường lao động của Indonesia là tình trạng thừa và thiếu lao động. Indonesia có thừa những lao động tay nghề thấp nhưng lại rất thiếu những lao động có tay nghề cao, nhất là trong thời kỳ khôi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.  

Thời gian đầu số lượng lao động Indonesia ra làm việc ở nước ngoài còn rất nhỏ so với một số nước xuất khẩu lao động như Philippines, Pakistan, Ấn Độ và Sri Lanka, nhưng càng về sau, số lượng lao động được đưa ra nước ngoài càng tăng nhanh. Từ kế hoạch 5 năm lần thứ hai, số lượng lao động xuất khẩu  gia tăng gấp ba, và đến kế hoạch 5 năm lần thứ năm, tổng số lao động Indonesia làm việc ở nước ngoài đã lên đến nửa triệu người và như vậy, mức tăng trung bình hàng năm từ 1.000 đến 130.000 người. 

Indonesia là một trong ba nước có số nữ lao động di dân lớn nhất châu Á và càng đặc biệt hơn vì Indonesia là quốc gia Hồi giáo duy nhất xuất khẩu lao động nữ. Đây là kết quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình mà Chính phủ Indonesia áp dụng từ những năm 1970. Phong trào phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài trở thành một hiện tượng xã hội những năm 1980 và số lượng không ngừng gia tăng theo thời gian. Đây là vấn đề có tính chất nhạy cảm nên Chính phủ đã cố gắng quản lý chặt chẽ số lao động nữ đi làm việc tại nước ngoài, theo đó phụ nữ muốn làm việc ở nước ngoài, đặc biệt ở khu vực Trung Đông phải từ 30 tuổi trở lên, biết chữ và có khả năng làm được các công việc cơ bản trong gia đình như: nấu ăn, may vá... Họ phải được trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa và ngôn ngữ Ảrập. Bên cạnh đó, người phụ nữ cần có thư bảo đảm của chồng, trường hợp còn độc thân họ phải có thư bảo đảm của mẹ. Về phía các văn phòng tuyển mộ phải có giấy phép chính thức được quyền gửi người sang nước ngoài và phải có đại diện ở vùng Trung Đông. Nhưng trên thực tế, đại đa số lao động nữ di dân Indonesia không đáp ứng được những điều kiện này.

Những ý nghĩa không thể phủ nhận

Những lao động Indonesia dù đã di làm việc ở nước ngoài vẫn duy trì những mối quan hệ kinh tế - xã hội với gia đình và những người thân ở quê hương. Mối quan hệ này thường được biểu hiện qua các hình thức thăm viếng lẫn nhau, gửi quà, tiền về quê hay chỉ đơn giản là trao đổi thư từ. Tuy nhiên, rất khó xác định một cách chính xác lượng tiền mà lao động di dân Indonesia chuyển về nước, vì ở Indonesia người dân được tự do giao dịch ngoại tệ cũng như được quyền mở tài khoản bằng ngoại tệ tại ngân hàng mà không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào mặt khác họ có nhiều cách chuyển tiền về nước: chuyển qua ngân hàng, nhờ bạn bè mang về hay chính họ mang về trong những lần về thăm nhà. Mặc dù, lượng ngoại tệ thu từ tiền gửi về chỉ xấp xỉ 1% so với tổng thu nhập từ xuất khẩu của Indonesia, chiếm 0,2% tổng thu nhập quốc dân nhưng rất có ý nghĩa trong xoá đói giảm nghèo cho chính hộ gia đình có lao động đi xuất khẩu và góp phần phát triển kinh tế khu vực. Cụ thể, đối với vùng kinh tế phát triển nhất ở Indonesia, số tiền do lao động di dân gửi về chiếm 2,5% GDP, trong khi đó đối với nền kinh tế của Tây Nusa tenggara, địa phương có nền kinh tế chậm phát triển nhất, tỷ lệ tiền gửi của lao động di dân chiếm khoảng 11% GDP. Tiền do lao động làm việc ở nước ngoài gửi về, mặc dù còn rất khiêm tốn ở mức độ khoảng 300 triệu USD hàng năm, đủ bảo đảm cho mọi thanh toán về ngoại tệ của nhà nước. Đối với gia đình của lao động di dân, số tiền này dùng chủ yếu cho nhu cầu tiêu dùng và có một phần đáng kể dùng vào xây dựng nhà cửa, giáo dục và đầu tư vào hoạt động sản xuất nông nghiệp hay làm vốn trong kinh doanh. Hoạt động xuất khẩu lao động  cũg giúp chính phủ thu được một khoản phí và tạo thu nhập cho các văn phòng tuyển mộ. Về mặt sản lượng quốc gia, đóng góp của lao động đi xuất khẩu có thể ít hơn so với lúc họ ở trong nước nhưng việc ra nước ngoài làm việc của họ sẽ tạo ra những cơ hội việc làm mới cho những người ở nhà. Vì thế, ảnh hưởng của việc ra đi của họ đến sản lượng quốc gia sẽ không đáng kể nếu so với cơ hội công ăn việc làm mà họ có thể mang lại. Đối với Chính phủ Indonesia lao động xuất khẩu chủ yếu vẫn là lao động tay chân, vì vậy không dẫn đến những mất mát về xã hội cũng như sự “chảy máu chất xám”. Do đó, chình quyền Indonesia ít quan tâm tới số lao động xuất khẩu bất hợp pháp. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, vấn đề lao động di dân ngày càng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của từng vùng, từng khu vực. Tiền do lao động di dân gửi về giữ vai trò chủ yếu đối với kinh tế vùng. Vì thế, mặc dù không ít những thông tin về tình trạng khốn khổ của lao động di dân Indonesia ở nước ngoài, chính quyền các địa phương vẫn xem xuất khẩu lao động là một trong những chiến lược chính để tăng thu nhập đồng thời giải quyết tính trạng dư thừa lao động trong vùng và họ sẵn sàng phản đối mọi đề nghị tạm ngưng hoặc chấm dứt việc đưa lao động ra nước ngoài.

Quốc Đạt