Nâng cao chất lượng phiên thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND

Bài 1: Thống nhất các kiến nghị, bức xúc đưa ra nghị trường

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 17:22 - Chia sẻ
​​​​​​​Tại phiên thảo luận Tổ, Tổ trưởng các Tổ đại biểu luôn chú trọng định hướng cho đại biểu HĐND nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến; thảo luận nội dung chất vấn, phân công đại biểu thảo luận, tham gia chất vấn tại kỳ họp. Mời đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN cấp xã nơi Tổ đại biểu sinh hoạt cùng tham gia để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của địa phương. Từ đó, thống nhất những kiến nghị, bức xúc của Nhân dân cần đưa ra nghị trường, tạo điều kiện cho cơ quan thẩm quyền giải quyết, giải trình đúng trọng tâm.

Những năm qua, hoạt động thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND huyện Bù Đăng, Bình Phước luôn được Thường trực và các Tổ đại biểu quan tâm, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng.

Tạo điều kiện cho việc giải trình đúng trọng tâm

Thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND là giải pháp quan trọng phát huy trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp của HĐND. Nhận thức tầm quan trọng đó, các Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện của Bình Phước đã có nhiều nỗ lực lựa chọn những kiến nghị, bức xúc của Nhân dân cần đưa ra nghị trường, trong phát huy vai trò Tổ trưởng và bảo đảm các ý kiến, kiến nghị của Tổ được tiếp thu, giải quyết kịp thời.

Trước các kỳ họp, các Tổ đại biểu đã chủ động dành 1 buổi tổ chức họp Tổ đại biểu trên cơ sở hướng dẫn gợi ý thảo luận của Thường trực HĐND huyện, các tài liệu liên quan đến kỳ họp được đăng tải trên trang thông tin kỳ họp HĐND huyện. Các đại biểu đã chủ động nghiên cứu tài liệu liên quan, kết hợp thông qua các đợt TXCT, tham gia cùng đoàn giám sát của Thường trực, các Ban HĐND huyện khi được mời để thảo luận nói lên chính kiến của mình.

Tại phiên thảo luận Tổ, Tổ trưởng các Tổ đại biểu luôn chú trọng định hướng cho đại biểu HĐND nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến đối với các văn bản liên quan đến kỳ họp, nhất là thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các báo cáo chuyên đề trình kỳ họp; thảo luận nội dung chất vấn, phân công đại biểu thảo luận, tham gia chất vấn tại kỳ họp. Phiên thảo luận tại Tổ đại biểu trước kỳ họp HĐND huyện đều mời đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN cấp xã nơi Tổ đại biểu sinh hoạt cùng tham gia để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của địa phương đối với các văn bản trình tại kỳ họp HĐND. Từ đó, thống nhất những kiến nghị, bức xúc của Nhân dân cần đưa ra nghị trường, tạo điều kiện cho cơ quan thẩm quyền giải quyết, giải trình đúng trọng tâm.

Sau mỗi phiên họp Tổ đại biểu, mỗi Tổ trên địa bàn huyện có ít nhất từ 3 - 5 ý kiến chuyển đến Thường trực HĐND và UBND huyện xem xét, giải trình tại kỳ họp; số lượng, chất lượng các phiên chất vấn ngày một tăng, đi vào chiều sâu của từng vấn đề được nêu. Nếu như tại Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp thứ 3, chỉ có 3 - 5 ý kiến chất vấn, từ Kỳ họp thứ 4 đến nay, mỗi kỳ họp trung bình có từ 8 - 12 ý kiến chất vấn về các vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc như: Việc thực hiện tinh giản biên chế; luân chuyển, điều động công chức, viên chức; chế độ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết hộ nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Tổ đại biểu số 5, HĐND huyện Bù Đăng, Bình Phước họp chuẩn bị nội dung trình tại Kỳ họp thứ 8, HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021

Ảnh: Yến Lê 

Khen thưởng, nhắc nhở kịp thời

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trên thực tế, không ít đại biểu được Tổ phân công chuẩn bị nội dung thảo luận chưa chưa bám sát thực tiễn và thiếu thông tin tình hình ở cơ sở, chưa chủ động nghiên cứu kỹ tài liệu kỳ họp, cũng như một số chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước; một số đại biểu kinh nghiệm hoạt động còn ít, thiếu mạnh dạn, do đó, việc đăng ký thảo luận còn bị động, nội dung thảo luận còn hạn chế… Nguyên nhân cơ bản do phần lớn đại biểu HĐND huyện hoạt động kiêm nhiệm (33/38 đại biểu); một số giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của HĐND. Nhiều đại biểu kiêm nhiệm vừa là chủ thể thực hiện quyền giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên còn tư tưởng nể nang, né tránh trong thảo luận cũng như chất vấn tại các kỳ họp.

Thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND huyện là giải pháp quan trọng phát huy vai trò trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp của HĐND. Yêu cầu đặt ra là mỗi đại biểu phải thường xuyên nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, tích cực nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận, thực hiện tốt quyền của người đại biểu dân cử. Để có thông tin, đại biểu cần phát huy quyền của mình trong yêu cầu cung cấp thông tin theo luật định. Không ngại va chạm, tranh luận để đạt được sự đồng thuận giữa HĐND với UBND và các cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ đại biểu trong nghiên cứu, tìm hiểu và nắm vững các vấn đề đòi hỏi phải có các biện pháp để thực hiện chủ trương, chính sách, với gợi ý thảo luận đã được định hướng có trách nhiệm gợi mở, hướng dẫn các đại biểu trong thảo luận Tổ để tập trung bàn thảo các vấn đề HĐND sẽ quyết định tại kỳ họp. Nếu các tổ thảo luận kỹ, đảm bảo chất lượng, phiên thảo luận tại kỳ họp HĐND sẽ tập trung vào những vấn đề chính, thời gian dành cho bàn thảo, tranh luận nhiều hơn, nhiều ý kiến tham gia hơn, tăng tính khách quan, toàn diện chắc chắn chất lượng phiên thảo luận tại kỳ họp sẽ tốt hơn.

Thường trực HĐND cần quan tâm chỉ đạo các Tổ đại biểu thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động của HĐND; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động cho Tổ đại biểu; cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho Tổ đại biểu, nhất là các thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát, TXCT và chuẩn bị kỳ họp; thường xuyên theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động và bảo đảm các điều kiện cho Tổ đại biểu hoạt động. Hàng năm, có chính sách khen thưởng, động viên đối với các Tổ hoạt động tích cực, đồng thời xử lý đối với các Tổ không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

LÊ PHƯỚC