Ngăn ô nhiễm không khí - hành động trước khi quá muộn

Bài 1: Ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động

- Thứ Ba, 23/06/2020, 07:04 - Chia sẻ

Trước tác động của quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp, các hoạt động xả thải từ phương tiện giao thông... ô nhiễm không khí ngày càng trở nên "nóng" không chỉ tại các đô thị phát triển, khu - cụm công nghiệp… mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Bởi, đây được xem là tác nhân hàng đầu gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hãy hành động trước khi quá muộn để khắc phục tình trạng này, đó là ý kiến của các chuyên gia môi trường, người dân khi góp ý vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Top 10 thành phố ô nhiễm không khí

Theo báo cáo của AirVisual - công ty quan trắc không khí có mạng lưới toàn cầu  (ngày 27.2) - lần đầu tiên thủ đô Jakarta của Indonesia và Hà Nội của Việt Nam vượt qua Bắc Kinh (Trung Quốc) trong số các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Theo báo cáo này, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình ở Hà Nội là 46,9 microgam/m3 - nghiêm trọng hơn so với năm 2018 (40,8 microgam/m3), cao gấp gần 5 lần khuyến cáo của WHO và gần 2 lần quy chuẩn Việt Nam. Hà Nội cũng là thành phố ô nhiễm thứ 150 và là thủ đô ô nhiễm thứ 7 của thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Hà Nội là thủ đô nhiễm thứ 2 và là thành phố ô nhiễm đứng thứ 6 sau 5 thành phố của Indonesia. Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.

Cũng theo Tổng cục Môi trường, thống kê trung bình năm cho thấy, hàm lượng bụi trong không khí ở Việt Nam tăng hơn so với quy chuẩn, vượt hơn nhiều lần so với ngưỡng an toàn quốc tế. Trong đó 70% nguồn ô nhiễm là do khí thải từ các phương tiện giao thông. Ngoài ra, các nhà máy, xí nghiệp, các hoạt động hàng ngày đều thải ra chất độc, chất gây ô nhiễm. Điều này dấy lên quan ngại và cho thấy tình trạng đáng báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Sau mỗi vụ thu hoạch, tình trạng đốt rơm rạ lại diễn ra phổ biến tại các cánh đồng ngoại thành Hà Nội. Trong ảnh: tình trạng đốt rơm tại cánh đồng xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội 

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2019 ghi nhận mức độ và tần suất ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn 2 năm trước đó. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2020, ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Cụ thể, trong tháng 1 - 2, Hà Nội liên tục có các đợt ô nhiễm không khí với chỉ số AQI tại khu vực Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Trung Yên 3... dao động quanh mức 151 - 201 (mức xấu và rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân). Gần đây, tại khu vực ngoại thành, những ngày qua tình trạng đốt rơm rạ tái diễn khiến chỉ số AQI từ 18 - 23 giờ các ngày 3, 4 và 6.6 tại thị trấn Sóc Sơn dao động từ 163 - 220 (mức xấu và rất xấu); xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), chỉ số AQI 101 - 130 (mức kém)...

Khói, bụi... đang là những tác nhân khiến chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm. Theo kết quả quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tại các tuyến đường có mật độ giao thông cao, nồng độ bụi mịn thường cao hơn trong khu dân cư... Cụ thể, liên tục những ngày đầu tháng 6.2020 đến nay, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (PM10 và PM2.5) trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng.

Khói bụi xuất hiện ở khắp nơi

Với việc không khí liên tiếp ở mức nguy hại, chỉ số AQI ở ngưỡng rất cao, thủ đô Hà Nội liên tục nằm trong xếp hạng những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo Air Visual. Có những ngày, vào thời điểm giữa trưa, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn ở mức báo động, các con đường tại trung tâm mù mịt trong khói bụi. Cụ thể, những ngày đầu tháng 6.2020, nồng độ bụi mịn (PM2.5) ở nội thành Hà Nội có xu hướng tăng cao bất thường từ thời điểm 23 giờ kéo dài 2 - 3 tiếng sau đó. Đặc biệt, vào đêm 6.6 vừa qua, nồng độ bụi tăng cao đột biến, chỉ số chất lượng không khí tại khu vực chạm ngưỡng xấu và rất xấu. Nguyên nhân chính được xác định là do nguồn phát thải từ đốt rơm rạ.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trong 2 tuần liên tiếp tại địa bàn các xã thuộc huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ... cho thấy, sau khi thu hoạch vụ mùa, rơm rạ vẫn bị đốt ngay tại chân ruộng, khói bụi bao phủ cả một vùng. Chia sẻ nỗi bức xúc khi hàng ngày đi qua tuyến đường đầy khói bụi, chị Nguyễn Thị Thu, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) cho biết: khoảng từ nửa tháng trở lại đây, người dân đốt rơm rạ nhiều. Dù cách xa khu dân cư hàng trăm mét nhưng khói từ ngoài đồng vẫn theo chiều gió bay thẳng vào nhà dân, gây ô nhiễm nghiêm trọng, không khí những ngày hè vốn vốn đã oi nóng lại càng trở nên ngột ngạt.

Không chỉ đốt rơm rạ, tình trạng đốt rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, tình trạng đốt vải vụn cũng diễn ra phổ biến ở nhiều vùng quê gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là những ngày Hà Nội đang hứng chịu đợt cao điểm nắng nóng kéo dài. Anh Hoàng Văn Ba ở thôn Ba Nhà, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai bức xúc vì nhiều ngày phải hứng chịu khói bụi: ở cạnh sông Đáy - con sông vốn đã ô nhiễm lâu năm, thường xuyên bốc mùi hôi thối, thời gian gần đây hàng trăm người dân thôn Ba Nhà liên tục phải hứng chịu thêm mùi khét lẹt cộng với làn khói đen kịt bốc lên bay vào khu dân cư do rác thải, vải vụn từ một số cơ sở may ở khu vực xã lân cận đốt khiến ai hít phải cũng đau đầu, tức ngực, khó thở...

Tại các khu vực nội thành của thủ đô Hà Nội, nhất là các cửa ngõ vào trung tâm thành phố như dọc tuyến đường 32, tuyến đường từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, từ Trần Phú (quận Hà Đông) đến Ngã Tư Sở (quận Đống Đa)... do mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể, các hoạt động xây dựng, vận chuyển vật liệu gây rơi vãi đất cát, bụi bẩn cũng diễn ra phổ biến, nhất là tại khu vực Đại lộ Thăng Long, các cửa ngõ ra vào thủ đô.

Bài và ảnh: Hải Thanh