Các nghị viện thành viên AIPA - Nghị viện Singapore

Nét biến thể từ hệ thống Westminster

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:46 - Chia sẻ
Cơ quan lập pháp Singapore theo mô hình dân chủ nghị viện của hệ thống Westminster, Anh. Theo đó, các nghị sĩ được bầu ra thông qua các cuộc tổng tuyển cử thường kỳ. Khi Nghị viện mới được triệu họp lần đầu tiên, Chủ tịch sẽ được bầu sau khi các nghị sĩ mới tuyên thệ.

Nghị viện Singapore với AIPA

Là 1 trong 5 thành viên sáng lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1967, Singapore cũng là 1 trong 5 thành viên sáng lập Tổ chức Liên nghị viện các nước ASEAN năm 1977. ngay sau khi thành lập, Singapore cũng trở thành nước Chủ tịch đầu tiên đăng cai Đại hội đồng AIPO lần thứ nhất.
Sau khi AIPO được đổi tên thành AIPA, Singapore cũng 2 lần giữ ghế Chủ tịch là AIPA 29 năm 2008 và aiPa 39 năm 2018. Trong suốt 43 năm trở thành thành viên AIPO/AIPA, nghị viện Singapore luôn chứng tỏ vai trò của một trong những quốc gia sáng lập, không ngừng đóng góp sáng kiến để thúc đẩy hoàn thiện tổ chức.

Mặc dù theo mô hình Anh, nhưng Nghị viện Singapore chỉ có đơn viện, Nhiệm kỳ của nghị sĩ là 5 năm tính từ phiên họp đầu tiên sau Tổng tuyển cử và không có giới hạn về số lần trúng cử. Trong trường hợp Nghị viện bị giải tán, tổng tuyển cử phải được tổ chức trong vòng 3 tháng.

Tuy nhiên, không giống nghị viện của các nước chỉ bao gồm các nghị sĩ do bầu cử, các thành viên của Nghị viện Singapore bao gồm các nghị sĩ được bầu, các nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử và các nghị sĩ chỉ định. Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 7.2020, Nghị viện Khóa 14 hiện nay có 95 nghị sĩ, bao gồm 93 nghị sĩ được bầu và 2 nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử. 9 nghị sĩ được chỉ định sẽ được lựa chọn sau khi Nghị viện khóa mới nhóm họp bắt đầu từ ngày 24.8.

Nghị sĩ được bầu (Elected Members - EMP)

Đa số các nghị sĩ là EMP thông qua một cuộc tổng tuyển cử. Pháp luật về bầu cử của Singapore không ấn định số nghị sĩ cũng như lượng đơn vị bầu cử mà sẽ phụ thuộc vào tuyên bố của Thủ tướng trước mỗi kỳ bầu cử, phù hợp với quy định của Luật Bầu cử lập pháp, trên cơ sở khuyến nghị của Ủy ban Đánh giá Ranh giới bầu cử. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 7 vừa qua, Singapore được chia thành 31 khu vực bầu cử, trong đó có 14 khu vực bầu cử một thành viên (Single Member Constituency - SMC), tức chỉ bầu một nghị sĩ, mỗi đảng chỉ được cử một ứng viên tham gia tranh cử; và 17 khu vực bầu cử theo nhóm nghị sĩ (Group Representation Constituency - GMC), trong đó mỗi chính đảng được đề cử một nhóm ứng viên (không ít hơn 3 và không nhiều hơn 6 người) tham gia tranh cử, trong đó bắt buộc phải có một ứng viên là người sắc tộc thiểu số (Mã Lai, Ấn Độ hoặc các cộng đồng thiểu số khác). Yêu cầu này bảo đảm rằng các chủng tộc thiểu số sẽ được đại diện trong Nghị viện.

Một phiên họp của Nghị viện

Nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử (Non-Constituency Members - NCMP)

Quy chế “Nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử” được đưa vào Hiến pháp từ năm 1984. Theo đó, một số ứng cử viên của các đảng đối lập hoặc đảng không nằm trong liên minh cầm quyền, không giành được ghế trong cuộc bầu cử, có thể được chọn làm nghị sĩ. Số NCMP phải ít hơn 12, là số nghị sĩ đối lập tối thiểu có mặt tại Nghị viện. Quy định này nhằm bảo đảm sẽ có một số lượng tối thiểu đại diện đối lập trong Nghị viện và các quan điểm khác với Chính phủ có thể được thể hiện tại Nghị viện.

Để trở thành một NCMP, ứng cử viên đó phải giành được không dưới 15% số phiếu bầu hợp lệ trong cuộc tổng tuyển cử. Nghị viện sẽ chọn các nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử theo số phiếu bầu đạt tiêu chuẩn được lấy từ trên xuống.

Nghị sĩ do chỉ định (Nominated Members - NMP)

Một điều khoản sửa đổi Hiến pháp đã được ra vào năm 1990 cho phép Nghị viện chỉ định tối đa 9 thành viên không qua bầu cử. Quy định này nhằm bảo đảm sự đại diện rộng rãi cho các quan điểm của cộng đồng trong Nghị viện, đồng thời giúp Nghị viện có thể tận dụng được tài năng và chuyên môn của những công dân Singapore không hoặc chưa có điều kiện tham gia ứng cử nghị sĩ.

Trước đây, trong vòng 6 tháng sau khi Nghị viện nhóm họp lần đầu tiên sau bất kỳ cuộc tổng tuyển cử nào, Nghị viện phải quyết định xem sẽ có bất kỳ NMP nào trong nhiệm kỳ đó hay không. Nhưng từ 1.7.2010, một sửa đổi đã quy định là bất kỳ khóa Nghị viện nào cũng sẽ phải chọn NMP. Một Ủy ban Lựa chọn đặc biệt của Nghị viện do Chủ tịch Nghị viện chủ trì sẽ được thành lập. Ủy ban này chịu trách nhiệm xem xét các đề cử từ công chúng. Tổng thống sẽ bổ nhiệm không quá 9 NMP với nhiệm kỳ hai năm rưỡi theo đề nghị của Ủy ban Lựa chọn đặc biệt. Các NMP đóng góp quan điểm độc lập và phi đảng phái trong Nghị viện.

NMP có thể tham gia vào tất cả các cuộc tranh luận tại Nghị viện, nhưng không được bỏ phiếu trong các trường hợp sau: Các dự luật sửa đổi Hiến pháp; các dự luật tài chính; bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ; cách chức Tổng thống.

Nghị viện Singapore có thể họp bất kỳ thời gian nào trong năm, do toàn thể Nghị viện quyết định khi kết thúc kỳ họp trước, nếu không thì do Chủ tịch Nghị viện triệu tập; mỗi tháng họp 1 lần (trừ tháng 6 và tháng 12) và một lần họp thường từ 1 ngày đến 1 tuần, tùy theo số lượng dự án luật được trình. Thông báo về từng phiên họp được gửi trước cho nghị sĩ. Còn nghị sĩ gửi các câu hỏi chất vấn các bộ trưởng, các điểm sửa đổi đối với các dự luật đã được trình, các vấn đề họ muốn thảo luận tại phiên họp.

Điểm đặc biệt là Nghị viện Singapore không họp vào buổi sáng. Một ngày họp bắt đầu từ 1 giờ 30 chiều, trong đó một tiếng rưỡi đầu dành cho phiên hỏi - đáp (question time). Chỉ có những câu hỏi đã được liệt kê trong Chương trình làm việc mới được trả lời. Những câu hỏi chưa đưa kịp tại phiên hỏi - đáp sẽ được trả lời bằng văn bản hoặc dời sang ngày sau. Sau khi phiên hỏi - đáp kết thúc, các Bộ trưởng đọc tuyên bố (nếu có). Tiếp theo, bộ trưởng chịu trách nhiệm hoặc cá nhân nghị sĩ sẽ trình dự luật tại lần đọc thứ nhất. Cuối cùng, toàn thể Nghị viện sẽ thảo luận các dự luật tại lần đọc thứ hai, thứ ba và tranh luận về các kiến nghị do cá nhân nghị sĩ đề xuất.

Nghị sĩ Singapore có quyền đặt câu hỏi chất vấn các bộ trưởng. Có hai hình thức đặt câu hỏi: Câu hỏi viết và câu hỏi miệng trực tiếp tại các phiên họp. Trên thực tế, tại các kỳ họp của Nghị viện, không chỉ có các nghị sĩ thuộc đảng đối lập và các nghị sĩ chỉ định đặt các câu hỏi chất vấn hóc búa tới Thủ tướng và các bộ trưởng mà ngay cả các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền cũng thường xuyên chất vấn.

Quốc Đạt