Nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh

Bài 1: Tăng đại biểu chuyên trách, tái cử

- Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:26 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những thay đổi tích cực theo hướng vừa bảo đảm cơ cấu thành phần, vừa coi trọng tiêu chuẩn đại biểu. Số đại biểu chuyên trách được tăng thêm, đa số đều có trình độ văn hóa, trình độ chính trị, chuyên môn cao, số đại biểu tái cử, có kinh nghiệm hoạt động tăng hơn so với nhiệm kỳ trước. Các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Từng bước nâng cao chất lượng đại biểu

Như chúng ta đã biết, đại biểu HĐND có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, phải kể đến những đóng góp không nhỏ của các đại biểu HĐND tỉnh. Nhiệm kỳ 2016 -  2021, cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những thay đổi tích cực theo hướng vừa bảo đảm cơ cấu thành phần, vừa coi trọng tiêu chuẩn đại biểu, qua đó từng bước nâng cao chất lượng của người đại biểu HĐND. Số đại biểu chuyên trách được tăng thêm, đa số đại biểu đều có trình độ văn hóa, trình độ chính trị, chuyên môn cao, số đại biểu tái cử, có kinh nghiệm hoạt động tăng hơn so với nhiệm kỳ trước.

Đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện của nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao chất lượng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, giữ đúng lời hứa với cử tri trong quá trình vận động bầu cử, không ngừng nâng cao kỹ năng hoạt động để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Trong hoạt động kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh chủ động thu thập thông tin để tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận, giám sát chuyên đề và chất vấn. Một số đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, thể hiện tâm huyết trong hoạt động dân cử, đóng góp tích cực cho hoạt động của HĐND tỉnh, tạo niềm tin tưởng của cử tri vào HĐND. Đại biểu HĐND cũng đã phát huy tích cực vai trò của mình trong hoạt động giám sát, nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, từ đó có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị với Thường trực, các ban HĐND để tổ chức các đoàn giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Đại đa số các đại biểu HĐND tỉnh đều nắm bắt kịp thời tình hình địa phương nơi ứng cử để trực tiếp giải thích, đối thoại với nhân dân tại các buổi TXCT. Nắm bắt các ý kiến, kiến nghị của cử tri để đề xuất với các cơ quan liên quan giải quyết. Tham gia tích cực vào việc cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, góp phần cùng HĐND tỉnh ra quyết định đúng, trúng. Công tác tiếp dân đã được đa số đại biểu thực hiện lồng ghép vào các ngày tiếp dân ở cơ quan, đơn vị nơi công tác.


Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc họp mở rộng thống nhất nội dung chương trình Kỳ họp thứ 17  
Ảnh: Khánh Ninh

Hạn chế từ cơ cấu, hoạt động kiêm nhiệm

Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, cũng cần nhìn nhận khách quan hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là: Cơ cấu đại biểu HĐND hiện nay, nhiều đại biểu công tác tại cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đoàn thể nên ngại va chạm trong các hoạt động giám sát, chất vấn; đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều, từ đó dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công... còn có nội dung chưa sâu.

Trong các kỳ họp HĐND, phần nhiều các ý kiến phát biểu tập trung vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các kiến nghị cử tri, chưa nêu được những giải pháp tháo gỡ khó khăn, chưa có nhiều ý kiến tham gia sâu vào các chuyên đề trình kỳ họp. Chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều, một số ít đại biểu chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, chưa phát huy được vai trò giám sát về những vấn đề bức xúc tại địa phương, một số đại biểu còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong hoạt động giám sát; trong chất vấn chưa quyết liệt truy đến cùng để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung chất vấn; chưa thể hiện rõ vai trò của đại biểu trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại tố cáo của công dân. Một số đại biểu chưa sắp xếp công việc, thời gian để tham dự đầy đủ các kỳ họp của HĐND nơi mình ứng cử nên chưa nắm bắt và chuyển tải kịp thời tình hình, những vướng mắc của địa phương với cơ quan chức năng… Từ đó, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND bị hạn chế, phần nào còn hình thức và chưa thực chất.

TRANG NGUYỄN