Phối hợp xây dựng, ban hành chính sách

Bài 1: Chủ động phối hợp, đề nghị phản biện xã hội

- Thứ Sáu, 05/06/2020, 07:22 - Chia sẻ
Mặt trận Tổ quốc là tổ chức duy nhất có điều kiện tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, có lợi thế hơn hẳn so với bất cứ tổ chức nào để thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội. Thường trực HĐND phải chủ động phối hợp, đề nghị MTTQ thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND; đồng thời, cử đại diện lãnh đạo HĐND, ban HĐND tham dự lắng nghe kết quả phản biện để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trong các bước thẩm tra, thảo luận góp ý nghị quyết.

Phối hợp giữa HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam cùng cấp theo các quy định và trong thực tiễn được tiến hành ở nhiều nội dung, trong đó công tác phối hợp xây dựng, thực hiện chính sách là một nội dung rất quan trọng. Thường trực HĐND huyện Hớn Quản, Bình Phước đã áp dụng một số giải pháp khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa 3 cơ quan.

Lắng nghe kết quả phản biện để hoàn chỉnh dự thảo

Cơ quan trình chính sách là UBND khi báo cáo kết quả hoạt động các chuyên đề, báo cáo định kỳ cho Huyện ủy, các sở, ngành, phải đồng thời gửi báo cáo kết quả hoạt động tới Thường trực, các Ban HĐND huyện để theo dõi. Khi trình HĐND thông qua chính sách cụ thể, thực hiện tốt việc lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đặc biệt là đối tượng chủ yếu thụ hưởng chính sách đó. Tại cuộc họp tiếp thu ý kiến góp dự thảo, cần mời đại diện Thường trực, lãnh đạo Ban HĐND dự kiến thẩm tra chính sách cùng dự. Ngoài ra, khi trình chính sách đề nghị thông qua, UBND huyện phải bảo đảm thời gian theo Luật định, cung cấp đầy đủ tài liệu, hồ sơ liên quan, hạn chế tình trạng điều chỉnh số liệu sau khi đã gửi văn bản thẩm tra.


Đại biểu HĐND tỉnh cùng Tổ đại biểu HĐND huyện Hớn Quản TXCT tại 2 xã An Khương, Tân Lợi
Ảnh: Tâm Lê

Việc thực hiện tốt công tác phối hợp giữa 3 cơ quan: HĐND (cơ quan ban hành chính sách), UBND (thực thi chính sách) và UBMTTQ Việt Nam (cơ quan phối hợp) trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách (nghị quyết của HĐND) rất cần thiết. Thực tiễn công tác phối hợp này ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Phước cho thấy, việc phát huy vai trò của UBMTTQ Việt Nam, nhất là trong thực hiện chức năng phản biện xã hội là một nội dung quan trọng bảo đảm tính khả thi các quyết sách.

Đại biểu HĐND, đặc biệt là những đại biểu là thành viên các Ban HĐND cần tích cực, đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc chính sách cần được thông qua. Thường trực HĐND lưu ý phát huy vai trò những đại biểu đang trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, tham mưu việc triển khai chính sách sau khi có hiệu lực pháp lý; những đại biểu ở cấp cơ sở, tiếp xúc thường xuyên với đối tượng thụ hưởng chính sách, thông qua những đại biểu này để có đánh giá khách quan về chính sách đề nghị thông qua.

Ủy ban MTTQ  Việt Nam phát huy vai trò của mình, là một trong các chủ thể có quyền đề nghị HĐND ban hành nghị quyết theo quy định tại Điều 111, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bên cạnh đó, MTTQ phải thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội trong xây dựng chính sách. Đây là tổ chức duy nhất có điều kiện tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, Mặt trận có lợi thế hơn hẳn so với bất cứ tổ chức nào để thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội. Thường trực HĐND phải chủ động phối hợp, đề nghị MTTQ thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND; đồng thời, cử đại diện lãnh đạo HĐND, ban HĐND tham dự lắng nghe kết quả phản biện để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trong các bước thẩm tra, thảo luận góp ý nghị quyết.

Giúp chính sách đến với đối tượng thụ hưởng dễ hơn

Hoạt động phối hợp tích cực của HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam huyện trong tổ chức thực hiện chính sách sẽ giúp nội dung chính sách sớm đi vào thực tiễn và thông qua thực tiễn để xem xét, đánh giá hiệu quả chính sách. Vì vậy, sau khi HĐND thông qua nghị quyết, Thường trực HĐND cần kịp thời theo dõi, phối hợp đề nghị UBND tổ chức thực hiện nghị quyết. Trường hợp nảy sinh vướng mắc, bất cập, hai cơ quan cần tổng hợp, trao đổi thông tin để xử lý phù hợp, đặc biệt là việc xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội qua kết quả đạt được từ thực tiễn. Bên cạnh đó, Thường trực cũng như các Ban HĐND cần tăng cường giám sát chuyên đề đối với nội dung các nghị quyết, kịp thời kiến nghị những bất cập để điều chỉnh.

Việc đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống là một quá trình chịu sự tác động của nhiều yếu tố, cần có các giải pháp hữu hiệu như tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách qua những tổ chức thành viên của MTTQ với nhiều hình thức dễ hiểu, dễ thực hiện. Điều này sẽ giúp thông tin chính sách đến với đối tượng thụ hưởng dễ dàng hơn, thay vì những kế hoạch hành động chung chung và phân công phối hợp trong nội bộ các cơ quan thực hiện chính sách.

Tại huyện Hớn Quản, trên cơ sở quy chế phối hợp và vận dụng cách làm nêu  trên đã góp phần xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều quyết sách do HĐND huyện ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cụ thể là 48 nghị quyết UBND trình HĐND thông qua, ngay khi lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo đã mời đại diện Thường trực HĐND huyện và các Phó Trưởng Ban chuyên trách cùng dự để nắm tinh thần nội dung đề nghị thông qua. Sau 15 đợt TXCT trên cơ sở 1.133 ý kiến, kiến nghị UBMTTQ huyện tổng hợp, chuyển đến đã được Thường trực HĐND huyện phân loại, chuyển để giao các ngành chuyên môn thuộc huyện giải trình. Nội dung giải trình cho thấy các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng, chế độ, chính sách, UBND huyện đều giao cơ quan chuyên môn làm việc trực tiếp với cử tri có kiến nghị để có nội dung trả lời cụ thể; đồng thời, làm cơ sở xây dựng, đối chiếu chính sách với thực tiễn…

Lê Phước