Bắc Giang tìm giải pháp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

- Thứ Năm, 22/09/2016, 19:09 - Chia sẻ
Ngày 22.9, Sở KH-CN Bắc Giang tổ chức Hội thảo Khoa học “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp” tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN, dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Nguyễn Đức Kiên.

Khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở KH-CN Bắc Giang khẳng định, việc ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp đang là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đóng góp lớn vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Việc đưa KHCN vào sản xuất nông nghiệp hiện nay dù đã được ứng dụng rộng rãi và đạt nhiều thành quả quan trọng, tuy nhiên cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức và cần có những cuộc hội thảo để giới thiệu công nghệ mới; đồng thời bàn bạc, thảo luận và tìm giải pháp để KHCN thực sự được đưa vào cuộc sống.

Tại Hội thảo, đại diện Viện Sinh học Nông nghiệp đã giới thiệu công nghệ sản xuất khoai tây giống sạch bệnh bằng công nghệ khí canh. Đại diện Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN Bắc Giang giới thiệu phương pháp trồng rau bằng công nghệ thủy canh. Đại diện Công ty Cổ phẩn GVA cũng giới thiệu với Hội thảo công nghệ trồng dưa lưới trên giá thể, có hệ thống cấp dinh dưỡng tự động. Đa số các đại biểu đánh giá cao công nghệ mới được giới thiệu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ này đến từng địa phương, từng hộ dân còn nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục. Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Dương Ngô Mạnh đánh giá cao công nghệ khí canh trong sản xuất giống khoai tây sạch bệnh hiện đã được ứng dụng tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Bắc Giang. Ông Mạnh cho biết, Tân Yên là huyện có vùng trồng khoai tây truyền thống rộng 500ha, sản phẩm đã có mặt trên thị trường trong  và ngoài nước. Dù có “hứng thú” với công nghệ khí canh nhưng việc đưa công nghệ này vào thực tế còn rất nhiều khó khăn. Ông Mạnh lý giải, hiện nay người dân còn canh tác theo hướng tự cung, tự cấp, quy mô manh mún, nhỏ lẻ; người dân chưa có kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc; đồng thời, vốn đầu tư để đưa công nghệ vào sản xuất quá lớn mà việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn chưa thực sự mạnh. “Dù giống tốt, phương thức sản xuất tốt mà không có DN vào cuộc, để đầu tư và bao tiêu sản phẩm thì mọi phương án đếu khó mà khả thi”.


Các đại biểu tham quan mô hình khoai tây giống khí canh tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Bắc Giang.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang Vũ Đình Phượng cho rằng, người nông dân quan tâm đến năng suất, sản lượng, lợi nhuận thu được của sản phẩm nông nghiệp. Các sở, ngành, lãnh đạo địa phương quan tâm đến tính khả thi của các phương pháp, công nghệ sẽ được áp dụng vào quá trình canh tác của nông dân. Những công nghệ được giới thiệu đều bổ ích và thiết thực tại tỉnh Bắc Giang. Đây chính là bước ban đầu cho cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh tiếp cận với công nghệ mới. “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp các sở, ngành, DN, các hộ nông dân thực sự tâm huyết, mong muốn tiếp cận và ứng dụng KHCN vào sản xuất để đạt được mục đích nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp” – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Vũ Đình Phượng khẳng định.

Thông qua những ý kiến thực tế, phân tích của các đại biểu, Giám đốc Sở KH-CN Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên đề nghị các huyện bắt đầu tư duy, tiếp cận và định hướng sản xuất cho nông dân. Điều mà ngành KHCN, các sở, ngành và nông dân địa phương băn khoăn chính là KHCN, giống, quy trình tốt nhưng nguyên nhân vì sao chậm đưa vào thực tế ? Tại Hội thảo, Giám đốc Sở kêu gọi các sở, ngành và các huyện đồng hành cũng người dân để KHCN sớm đưa vào thực tiễn.

“Ngành KHCN Bắc Giang sẽ nỗ lực hết sức để đồng hành, hỗ trợ và phục vụ tốt nhất cho người nông dân để KHCN thực sự mang lại lợi ích thiết thực giúp cải thiện thu nhập cho nông dân”. Ông Kiên nhấn mạnh

Tin, ảnh: ĐÀO CẢNH