ASEAN: 53 năm và con đường phía trước

- Thứ Tư, 02/09/2020, 09:20 - Chia sẻ
Trong tháng 8 vừa qua, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kỷ niệm 53 năm ngày thành lập (8.8.1967 - 8.8.2020). Trong suốt 53 năm qua, ASEAN đã gặt hái được những thành quả nhất định, song vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.

Nhìn lại hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, kể từ thời điểm 5 quốc gia sáng lập ký Tuyên bố Bangkok năm 1967, đến nay ASEAN đã mở rộng thành một cộng đồng 10 thành viên. Với dân số khoảng 650 triệu người, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 đạt trên 3.000 tỷ USD.

Không chỉ thúc đẩy hợp tác trong hiệp hội, ASEAN còn khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong các diễn đàn và cơ chế khu vực, với sự tham gia và đóng góp của cả các đối tác: ASEAN+, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)… Đặc biệt, 2020 là năm bản lề đánh dấu một nửa chặng đường hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên 3 trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội với mục tiêu xây dựng hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định, kể từ khi thành lập, ASEAN đã tham gia vào nhiều sáng kiến về ngoại giao, ngăn ngừa xung đột, đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, để có thể duy trì vai trò quan trọng trên trường khu vực và quốc tế.

Thách thức nội khối

Đầu tiên là thách thức về mặt thể chế: Sự thiếu vắng một “người đầu tàu” để vận hành, định hướng cho khối. Bên cạnh đó là việc hiện nay, ASEAN chưa có một thể chế đủ mạnh để bảo đảm cho sự thành công trong việc đưa ra và thực thi những quyết định chung.

Thách thức tiếp theo là sự khác biệt về lợi ích và ưu tiên. Mỗi quốc gia đều đối mặt với những khó khăn kinh tế, chính trị, xã hội riêng. Do đó, mỗi thành viên đều dành phần lớn sự tập trung để giải quyết những vấn đề trong nước hơn là vấn đề chung của khối. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của ASEAN.

Thêm vào đó, nội khối ASEAN còn tồn tại những thách thức về sự thay đổi dân số, chênh lệch phát triển về kinh tế, xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề sông Mekong; các mối đe dọa an ninh truyền thống như tranh chấp biên giới, xung đột sắc tộc và an ninh phi truyền thống.

Nguồn The Diplomat

Thách thức từ bên ngoài

Năm 2020, ASEAN còn phải đối mặt với nhân tố bất ngờ khác - đại dịch Covid-19, gây ra những thách thức trên nhiều mặt trận đối với ASEAN: thách thức về y tế cộng đồng, thách thức về duy trì tăng trưởng kinh tế, những nguy cơ mới đối với an ninh và quan trọng hơn cả là thách thức đối với chủ nghĩa đa phương. Tác động tàn khốc của dịch bệnh đang tạo ra những điều kiện bất lợi hơn cho chủ nghĩa đa phương so với chủ nghĩa dân tộc và dân túy vốn đã bén rễ ở nhiều quốc gia.

Việc hạn chế đi lại ở cấp quốc tế và khu vực, giãn cách xã hội để chống lại đại dịch đã khiến các cuộc họp thông thường không thể thực hiện được. Nhiều hội nghị quan trọng như Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Las Vegas vào tháng 3 vừa qua đã phải hủy bỏ, còn Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đáng lẽ diễn ra vào tháng 4 đã phải lùi sang tháng 6 bằng hình thức trực tuyến.

ASEAN nói riêng và châu Á nói chung được xem là “mặt trận” chính của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Trong khi đó, sự bùng phát dịch bệnh cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn cho Trung Quốc để thúc đẩy sự hiện diện và ảnh hưởng của mình ở ASEAN. Tổ chức này đang phải đối mặt với thách thức cân bằng quan hệ, không quá nghiêng về bên nào trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa 2 cường quốc, dẫn tới ASEAN khó có thể hướng tới một lập trường chung, thống nhất giữa các quốc gia thành viên.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt trong thời kỳ hậu Covid-19, với một Trung Quốc táo bạo hơn và Mỹ cứng rắn, cạnh tranh Mỹ - Trung đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và toàn diện về mọi lĩnh vực. ASEAN đang bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh chiến lược có thể phá vỡ sự ổn định, phát triển khu vực và ASEAN cũng khó có tiếng nói để hòa giải các bên.

Các nước Đông Nam Á cũng đang đối mặt trước những đòi hỏi chủ quyền và hành động ngày càng kiên quyết của Trung Quốc trên Biển Đông. Quá trình xúc tiến đàm phán để ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang bị gián đoạn bởi nhiều ràng buộc và sức ép từ các bên. Những thách thức này đã ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực cũng như trên thế giới.

ASEAN phải làm gì?

Trước những thách thức như vậy, ASEAN phải nỗ lực ở mức cao nhất để có thể duy trì và thúc đẩy những kết quả đã đạt được trong suốt những năm qua. Mặt khác, khối ASEAN được xem là “chất xúc tác” cho hòa bình, do đó ASEAN cần phải tăng cường sức mạnh, tích cực ủng hộ luật lệ và sự minh bạch tại khu vực. Đồng thời, ASEAN cần tăng cường hợp tác và liên kết hơn nữa trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực như chênh lệch khoảng cách phát triển, y tế, giáo dục, tiếp nhận công nghệ và phát triển cơ sở vật chất. Để làm được điều đó, ASEAN nói chung và các nước lớn trong khối cần chung tay để hỗ trợ các nước kém phát triển hơn bắt kịp trình độ phát triển, nhất là trong các lĩnh vực tri thức và kinh tế số.

Ngoài ra, để củng cố sự thống nhất của tổ chức, ASEAN đẩy mạnh hợp tác nội khối, đặc biệt trong vấn đề đối phó với đại dịch Covid-19 hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, Covid-19 vừa là thách thức đối với khu vực nhưng cũng là nhân tố gắn kết. Đại dịch đã gây rất nhiều khó khăn cho vai trò năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam nhưng nhờ sự linh hoạt và chủ động thích ứng, các nhà lãnh đạo khu vực đã nhanh chóng thích nghi với tình hình bằng các cuộc họp trực tuyến, hầu hết trong số đó là nội dung ưu tiên chống lại đại dịch Covid-19. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành y tế công cộng mà còn cho các kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng của ASEAN trong bối cảnh mới đã bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của Covid-19.

ASEAN cần tăng cường hợp tác và đối thoại cũng như tích cực thúc đẩy sự tham gia của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới, nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia để giúp khối thực hiện được những mục tiêu, tầm nhìn cũng như giải quyết các vấn đề tồn đọng. Thêm vào đó, các thành viên cần thống nhất chung tay để giải quyết vấn đề liên quan đến tiểu vùng sông Mekong và tranh chấp trên Biển Đông. Để làm được điều đó, ASEAN cần tiếp tục ủng hộ trật tự thế giới dựa trên luật lệ, xúc tiến đàm phán đi đến ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) và thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia cho rằng, nếu mối quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn còn hoặc xấu đi, Đông Nam Á sẽ phải đóng vai trò tích cực, mang tính xây dựng hơn trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. Nếu ASEAN hướng tới mục tiêu thống nhất và trung tâm, các quốc gia thành viên phải thể hiện sự lãnh đạo thông qua hành động quyết định đối với các vấn đề khó khăn. Trong một số trường hợp, điều này thậm chí có thể có nghĩa là phải sử dụng cơ chế dựa trên sự đồng thuận khác với quá khứ và kêu gọi cơ chế pháp lý quốc tế.

Nói cách khác, ASEAN phải thực sự hành động với khả năng “Gắn kết và chủ động thích ứng”, đúng với slogan của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Và mặc dù có thể khó khăn hơn khi ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng thúc đẩy các phiên họp còn lại của năm 2020, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được tại các cuộc họp - dù là họp trực tuyến - phải được chuyển thành hành động thực sự. Điều đó có thể khó khăn hơn trong bối cảnh đại dịch và hậu Covid-19 nhưng ASEAN cần có quyết tâm chính trị để biến những sáng kiến và nghị quyết trên giấy thành hành động.

Cũng có những dấu hiệu rõ ràng rằng thế giới bao gồm cả ASEAN sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn lâu dài và những điều chỉnh mới khi chuyển sang thời kỳ hậu Covid-19. Nhưng điều này mang đến cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực để đánh giá lại và củng cố lại các hệ thống và thể chế để kiên cường hơn và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, ASEAN cần đoàn kết, thống nhất và mạnh mẽ, hướng đến tương lai.

Đạt Quốc
Tổng hợp từ The Diplomat, PS