Sổ tay:

An sinh cho lao động nữ

- Thứ Bảy, 15/08/2020, 08:11 - Chia sẻ
Tháng 7 vừa qua, hơn 1.100 lao động nữ tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương đã tham dự các sự kiện truyền thông về chế độ an sinh xã hội liên quan đến sức khỏe. Sự kiện này là một phần trong sáng kiến hợp tác của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nằm trong dự án “Hỗ trợ mở rộng bảo vệ sức khỏe xã hội ở Đông Nam Á”.

Bảo vệ sức khỏe con người và bảo đảm thu nhập tối thiểu của họ trong trường hợp đau ốm là mối quan tâm hàng đầu ngày nay, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay do Covid-19. Tuy nhiên, một đánh giá nhu cầu thông tin và kiến thức gần đây do ILO và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp thực hiện cho thấy, mặc dù hiểu biết chung của lao động nữ về các chế độ an sinh xã hội cơ bản khá tốt, tuy nhiên hiểu biết của họ về các quyền lợi chi tiết, điều kiện và quy trình thủ tục hưởng lại khá hạn chế. Trong khi đó, điều quan trọng là lao động nữ phải nhận thức đầy đủ các quyền của họ về bảo vệ sức khỏe xã hội; các quyền lợi đó được duy trì và sử dụng đầy đủ.

Tương tự kết quả khảo sát về lao động phi chính thức tại TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (ILLSA) phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới công bố cũng cho thấy, có đến 70,6% lao động phi chính thức chỉ mới biết đến tên chính sách lao động việc làm. Đối với chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 37,4% mới nghe tên chính sách, 45,5% đã biết sơ qua về các chế độ. Đối với bảo hiểm y tế, đã có 60,2% biết sơ qua về chế độ, 19,7% biết rõ về thủ tục, đối tượng, mức đóng hưởng; 41,1% chưa bao giờ nghe nói, 20,6% mới biết tên chính sách, 25% biết sơ qua... Đặc biệt, chỉ có 13,2% biết rõ thủ tục, đối tượng, mức đóng và mức hưởng. 

Chị Trương Thị Hồng Hạnh, công nhân của Công ty Triumph tại Khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương, cho biết: “Mẹ tôi bị ung thư, vì vậy tôi hiểu bảo hiểm y tế có ý nghĩa như thế nào. Không có bảo hiểm, gia đình tôi không thể đủ khả năng theo đuổi điều trị vì quá tốn kém và lâu dài. Nhưng không phải tất cả các đồng nghiệp trong công ty của tôi đều có sự hiểu biết rõ ràng, thường thì họ coi bảo hiểm y tế là nghĩa vụ mà họ phải đóng góp thay vì nhìn thấy lợi ích trực tiếp bất cứ khi nào họ gặp rủi ro”.

Phó Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đỗ Hồng Vân cho rằng, “An sinh xã hội, bao gồm bảo vệ sức khỏe xã hội, vừa là mục tiêu cuối cùng vừa là công cụ để tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững của nước ta. Trong đó, lao công nữ nên là trung tâm của sự phát triển”. Chính vì thế, trong các diễn đàn truyền thông, các chuyên gia từ ILO; Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã cung cấp các thông tin thiết thực về các chế độ an sinh xã hội thông qua thảo luận và trả lời những câu hỏi, băn khoăn của lao động nữ; đồng thời các bên liên quan cũng đã phát hành Cẩm nang "Thông tin hữu ích về các lợi ích an sinh xã hội liên quan đến sức khỏe cho công nhân nhà máy" gửi đến các lao động nữ tại các khu công nghiệp.

Từ thực tế khảo sát về hiểu biết của lao động nữ đối với các chế độ an sinh xã hội cho thấy, còn nhiều việc phải làm để có thể đưa những chính sách này đến với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Những hoạt động truyền thông theo chủ đề, hướng tới đối tượng cụ thể tại các khu công nghiệp là cách làm hay cần được nhân rộng trong việc tuyên truyền phổ biến các chính sách an sinh xã hội, cũng như những quy định của Bộ luật Lao động 2019. 

Phạm Hải