Tọa đàm Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn

An ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng

- Thứ Ba, 23/06/2020, 15:41 - Chia sẻ
Tại Tọa đàm trực tuyến “Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn” do Báo điện tử Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 12.6, theo Bác sĩ Chuyên khoa II, Chuyên gia cao cấp của Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam, Nguyễn Trung Chiến đã khẳng định vai trò của nguồn nước đối với cuộc sống, đặc biệt là sức khỏe của người dân. Đồng thời, BS Nguyễn Trung Chiến cũng nhấn mạnh tính thiết yếu của việc đảm bảo an ninh nguồn nước khi tình trạng ô nhiễm nước ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Trung Chiến, Bác sĩ Chuyên khoa II, Chuyên gia cao cấp của Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam
Ông Nguyễn Trung Chiến, Bác sĩ Chuyên khoa II, Chuyên gia cao cấp của Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam                                                                                                                                                    Ảnh: Duy Thông

An ninh nguồn nước, có làm nhưng làm chưa đến nơi đến chốn

Theo ông Nguyễn Trung Chiến, nước là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe, từ huyết áp cho đến điều chỉnh thân nhiệt của chúng ta. Theo như báo cáo của Bộ Y tế hiện có khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm có liên quan tới vấn đề về nước và vệ sinh môi trường; có 250.000 người nhập viện vì tiêu chảy mỗi năm. Do đó nước ảnh hưởng tất cả các bệnh liên quan, từ bệnh lây nhiễm, đến bệnh không lây nhiễm. 

"Tôi rất đau lòng khi chúng tôi điều tra và lấy mẫu cùng kết hợp với chuyên gia Nhật để phân tích một số trường hợp tử vong ở Hòa Bình năm 2006, nguyên nhân là do nhiễm độc thủy ngân gây ra."- ông Chiến nói.

An ninh nguồn nước của chúng ta hiện nay đã, đang và sẽ là vấn đề được báo động nghiêm trọng. Bởi áp lực dân số cũng như phát triển kinh tế ngày càng đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều. Và 80% nước thải tại đô thị chỉ mới xử lý khoảng từ 10 - 11%, còn ở nông thôn thì gần như là không xử lý, xả thẳng ra bên ngoài. 

Một vấn đề về an ninh nữa mà chúng ta đang còn nhiều lỗ hổng đấy là vấn đề kiểm soát, giám sát nguồn nước. Tuy chúng ta có làm nhưng làm chưa đến nơi đến chốn hoặc là áp dụng công nghệ còn kém. Trách nhiệm chính quyền cũng như ý thức của người dân về nhận thức chưa cao, dẫn tới tình trạng bảo vệ nguồn nước kém. 

Trong những năm vừa qua, Liên minh nước đã phối hợp huy động, vận động về chính sách và nguồn lực của địa phương để tăng cường chính sách nước sạch cho người dân. Hiện đã triển khai trên 2 địa bàn là Thanh Hóa và Hà Nam. 

Ảnh: Duy Thông
Ảnh: Duy Thông

“Hầu như chưa có xét nghiệm nước bao giờ”

Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Người dân ở nhiều nơi tuy đã có nước hợp vệ sinh, nước sạch để dùng, nhưng việc kiểm định chất lượng nguồn nước tại nhiều địa phương còn sơ sài, thiếu chế tài và các giải pháp đồng bộ thường xuyên.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II, Chuyên gia cao cấp của Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam Nguyễn Trung Chiến cho biết, nguồn nước gồm có: nguồn nước để cấp nước và nguồn nước cho sinh hoạt. Nước nguồn của chúng ta gồm có ba loại chính, bao gồm: Một là, nguồn nước nước ao, hồ, sông, suối. Hai là, nguồn nước ngầm, nguồn nước dưới đất bao gồm: nước ngầm, nước ngọt nổi ở vùng ven biển. Ba là, nguồn nước không trung, chủ yếu là nước mưa và hơi nước. 

Như chúng ta thấy, nông dân, nông thôn chủ yếu sử dụng các nguồn nước, kể cả nước mặt, kể cả nước giếng khoan và kể cả nước mưa. Quá trình chúng tôi đi thực tế, người dân vùng này chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, nước mưa và nước mặt, nguồn nước này vẫn chưa qua xử lý và không được giám sát. Các khu vực cấp nước ở những nơi khó khăn như miền núi hầu hết quy mô nhỏ lẻ, quy mô nhỏ lẻ này do cộng đồng quản lý, mà cộng đồng quản lý cấp nước cho người dân với mục đích dân sinh không phải cho kinh doanh. 

Vấn đề khó khăn là làm sao phải duy trì được tiền để giám sát được chất lượng nguồn nước. Hiện nay, chất lượng nước uống ở nông thôn vẫn hầu như không được giám sát, chưa có một cơ quan nào chịu trách nhiệm về quản lý, kiểm soát chất lượng nước. 

Hiện nay, với những quy mô nhỏ lẻ do cộng đồng quản lý thì chưa có văn bản pháp quy nào quy định về vấn đề này. Nghị định 117 thì chỉ quy định về các đơn vị cấp nước mặt mang tính kinh doanh và sản xuất nước, chưa có đánh giá đảm bảo tiêu chuẩn an toàn hay không. 

Các địa phương cũng phản ánh, hầu như chưa có xét nghiệm nước bao giờ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, tiêu chảy, các bệnh ung thư. Trong khi cộng đồng quản lý thì chỉ mang tính kiêm nhiệm, chưa có một chính sách nào cho công việc này. Địa phương dù thấy được những bất cập này nhưng không quan tâm đến để làm sao kiểm soát chất lượng nguồn nước, cung cấp nước, an toàn cho người dân, chính quyền địa phương cũng chưa có cơ chế để hỗ trợ thực hiện. 

Kiểm soát chất lượng nguồn nước thì chính quyền địa phương là quan trọng nhất. Chúng tôi cố gắng đưa ra chương trình kết hợp với nguồn lực của địa phương để giải quyết vấn đề này. Hiện chúng tôi vẫn đang cố gắng hỗ trợ các đơn vị để xây dựng xây dựng Bộ chỉ số địa phương theo quy định của Thông tư 41 của Bộ Y tế. Giám sát chất lượng nguồn nước ở các vùng này thì chính quyền địa phương phải đề xuất và chúng tôi là người hỗ trợ.

Kiến nghị giải pháp cho việc bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn, ông Nguyễn Trung Chiến nhấn mạnh, chúng ta thấy rằng, đối với địa phương ở các vùng nông thôn, vai trò tuyên truyền, vận động người dân rất quan trọng. Nếu như người dân mà thiếu nhận thức thì về vấn đề xả thải, khai thác nước sẽ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Do đó, cần xây dựng được một kế hoạch mang tính chất của từng địa phương và trên cơ sở kế hoạch đó đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân địa phương của mình. Tôi cho rằng, chính quyền địa phương cần có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời ứng dụng các giải pháp cũng như huy động các nguồn lực của các nơi để có thể đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.

Xuân Tùng