Ý kiến:

"Ai xả rác nhiều hơn sẽ trả tiền nhiều hơn"

- Thứ Sáu, 19/06/2020, 11:05 - Chia sẻ

ĐBQH Nguyễn Chí Tài (Thừa Thiên Huế) 

Tôi thống nhất quan điểm và nguyên tắc không thu phí rác đổ đồng mà tính trên cơ sở ai xả rác nhiều hơn sẽ trả tiền nhiều hơn. Việc thu phí rác thải theo nguyên tắc trên rất bình đẳng, khách quan, khoa học và tiến bộ, khắc phục được tình trạng đánh đồng bình quân, thu theo kiểu hộ gia đình như hiện nay. Đồng thời, với việc thiết kế nội dung này không quy định cụ thể vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mà đưa ra nguyên tắc, trên cơ sở đó giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Tôi cho rằng rất phù hợp và thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.

Việc các hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải phân loại, lưu giữ chất thải sau khi được phân loại trong các bao bì, thiết bị chứa bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường như quy định tại Điều 79, dự thảo Luật, theo cá nhân tôi là rất cần thiết. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao ý thức phân loại rác đầu nguồn của người dân, tiết kiệm được chi phí thu gom rác thải trong sinh hoạt. Để vấn đề này được triển khai thực hiện có hiệu quả, tôi đề nghị cần tuyên truyền nâng cao ý thức cũng như năng lực của người dân, đầu tư trang thiết bị để có giải pháp đồng bộ từ việc phân loại rác của người dân đến quá trình vận chuyển, cho đến khâu xử lý cuối cùng của quá trình thu gom, phân loại. Đồng thời, phải tăng cường công tác giám sát của người dân, của cộng đồng, cũng như có chế tài xử phạt để nâng cao hơn nữa hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước. Đây là vấn đề mới, quá trình triển khai thực hiện trong giai đoạn đầu chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp đồng bộ, có lộ trình thực hiện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương.

Môi trường có vai trò rất quan trọng với mỗi quốc gia trong cả hiện tại và tương lai. Đảng và Nhà nước ta xác định kinh tế - xã hội - môi trường là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Để công tác bảo vệ môi trường ngày càng hiệu quả, đáp ứng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tôi đồng tình việc bổ sung quy định vào dự thảo Luật về ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường và quy định mục chi sự nghiệp bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư, nhất trí tăng chi ngân sách nhà nước bảo đảm mức chi tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong tình hình mới. Đối với Quỹ bảo vệ môi trường, đây là nguồn lực tài chính hỗ trợ rất lớn cho các địa phương trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện các nguồn lực kinh phí của quỹ có hiệu quả, cần bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể hơn về nguyên tắc hợp đồng sử dụng quỹ, nội dung chi của quỹ, theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc triển khai thực hiện đạt kết quả tốt nhất.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật lần này rất rộng, nhiều quy định mới, nhiều nội dung mới, đặc biệt đã đưa chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đang phân tán ở một số bộ vào dự thảo Luật nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Nhiều lĩnh vực đã được phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền cho UBND các cấp để công tác bảo vệ môi trường ngày càng đạt hiệu quả. Tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm, kiện toàn, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác môi trường, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã.

Nguyễn Vũ lược ghi