Ai sẽ là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ?

- Thứ Sáu, 13/09/2019, 08:02 - Chia sẻ
Tổng thống Donald Trump mới đây đã tuyên bố về sự ra đi của ông John R. Bolton, nhân vật thứ ba đảm nhận cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia tính từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống. Mặc dù cấp phó Charles M. Kupperman đã được chọn làm cố vấn tạm quyền, nhưng ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ sớm công bố tên người kế nhiệm vào tuần tới.

Điểm mặt anh hào

Theo Tổng thống Donald Trump, ông đang nhắm đến 5 người có tiềm năng thay thế ông Bolton, một nhân vật có quan điểm cứng rắn và hay bất đồng với mình về những thách thức toàn cầu, đặc biệt là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên,  Iran, hay ý định đàm phán giữa Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Taliban. Trước đó, một số người tin rằng, Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể mở rộng quyền lực, trở thành nhà lãnh đạo đảm đương nhiệm vụ kép, vừa là Ngoại trưởng, vừa là Cố vấn An ninh Quốc gia. Trước đây, ông Henry Kissinger từng đảm nhận đồng thời hai vị trí này.

Ông Donald Trump không nói rõ tên 5 ứng cử viên, mà chỉ đơn giản đề cập rằng họ đều là những người “có trình độ rất cao”. Nhưng ngay lập tức, đồn đoán về các nhân vật nằm trong quỹ đạo của Tổng thống có thể nhận nhiệm vụ đã được chỉ ra, gồm: Ông Fred Fleitz, cựu Chánh Văn phòng của ông Bolton; ông Keith Kellogg, trung tướng đã nghỉ hưu và từng là Cố vấn An ninh Quốc gia; ông Jack Keane, cựu lãnh đạo quân đội đã nghỉ hưu và hiện là cố vấn cho Phó Tổng thống về an ninh quốc gia; ông Robert Blair - cố vấn cho Chánh văn phòng Nhà Trắng đương nhiệm Mick Mulvaney và ông Robert C. O’Brien, phái viên phụ trách vấn đề đàm phán con tin của chính quyền Mỹ, người từng ca ngợi Tổng thống Donald Trump là nhà đàm phán con tin vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, các ứng cử viên có tiềm năng nhất lại không nằm trong danh sách kể trên. Thay vào đó là trợ lý hàng đầu của Ngoại trưởng Mike Pompeo - ông Brian Hook, đặc phái viên về Iran và ông Stephen Biegun, đặc phái viên về Triều Tiên. Sở dĩ hai cái tên đó nổi bật là vì Washington đang chú trọng giải quyết căng thẳng leo thang với Tehran và tìm cách phá vỡ thế bế tắc trong cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, một số cái tên khác cũng có khả năng nằm trong danh sách cất nhắc như bà Paula Dobriansky, làm việc trong Bộ Ngoại giao từ thời các chính quyền Cộng hòa trước đây cũng như từng có thời gian công tác ở Hội đồng An ninh Quốc gia; Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell; ông Ricky Waddell, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền ông Donald Trump; ông Pete Hoekstra, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, hiện là Đại sứ Mỹ tại Hà Lan; ông Robert Kimmitt, cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính; ông Douglas Macgregor, cựu sĩ quan quân đội…

Bài toán tái tranh cử

Nhiều nhà phân tích nhận định, Tổng thống Donald Trump sẽ tìm kiếm một người có địa vị vừa tầm để đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia, ít suy nghĩ về ý thức hệ và sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ các chính sách của Tổng thống, thay vì đối lập như người tiền nhiệm. Nhà phân tích Thomas Wright của Viện Brookings cho rằng, “ông ấy không muốn nghe người khác can ngăn những gì muốn làm”. Mặc dù vẫn tỏ ra thoải mái khi nghe quan điểm trái chiều, nhưng sau gần 3 năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đánh giá cao tầm quan trọng của việc có một đội ngũ ủng hộ các quyết định của mình. Thực tế, ông từng phát biểu, người được lựa chọn tiếp theo sẽ là cái tên mà ông cảm thấy thoải mái. Thực tế, ông Donald Trump được biết đến là người không nhất quán về cả chính sách lẫn nhân sự. Trong suốt thời gian tại nhiệm, ông đã liên tục chỉ ra rằng mình thích các cuộc đàm phán về xung đột quân sự và muốn giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước ngoài.

Chính vì vậy, việc Mỹ bổ nhiệm tân Cố vấn An ninh Quốc gia sẽ báo hiệu phương hướng thực hiện chính sách đối ngoại mới của xứ sở cờ hoa trong năm bầu cử 2020. Nó có thể mở đường cho những tiến triển nỗ lực ngoại giao như cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Iran tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ sắp tới hay mang đến làn gió mới cho các cuộc đàm phán bế tắc với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đây sẽ là những thành tựu đáng giá để ông Trump ghi điểm trong lòng cử tri.

Tuy nhiên, khi nói đến chính sách, một số nhà bình luận cho rằng, bất cứ ai thay thế ông Bolton có thể không có nhiều tác động thực sự đối với các quyết định của chính quyền. Từ trước đến nay, ông Donald Trump luôn kiên định, hành động theo bản năng, ít để bị ảnh hưởng bởi những can ngăn của đội ngũ phụ tá. Mặc dù vậy, ông chủ Nhà Trắng vẫn cần một người có khả năng thực hiện các chính sách của mình. Ngoài ra, sau khi thay tới 3 Cố vấn An ninh Quốc gia trong vòng chưa đầy 3 năm, ông cũng phải tìm ứng cử viên sẵn sàng làm việc dưới áp lực có thể ra đi bất cứ khi nào. Chính vì vậy, rất có thể Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra một quyết định khó hiểu như mọi khi và không tuân theo quy tắc nào.

Ngọc Minh