Ai Cập thông qua luật quản lý rác thải

- Thứ Bảy, 12/09/2020, 04:03 - Chia sẻ
Quốc hội Ai Cập vừa thông qua dự luật nhằm cải thiện vấn đề quản lý rác thải trong một số lĩnh vực hoạt động. Luật mới sẽ có hiệu lực sau khi Tổng thống Abdel Fattah al-Sissi ký ban hành.

Luật trên do Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad khởi xướng. Giờ đây, các công ty sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý chất thải của họ từ thu gom đến xử lý. Với mục tiêu cải thiện công tác tái chế chất thải công nghiệp, các nhà cung cấp thiết bị hiện có trách nhiệm tăng tỷ lệ đầu vào có thể tái chế. Luật mới cấm đốt chất thải ngoài trời hoặc đổ chất thải xuống sông. Tại Điều 29, Luật quy định không được thực hiện các hoạt động quản lý chất thải không nguy hại tổng hợp khi chưa được cấp phép. Văn bản pháp lý trên cũng quy định việc đóng cửa các bãi chôn lấp rác thải trái phép trên khắp đất nước trong vòng 2 năm.

Nguồn ITN

Để hỗ trợ tài chính tốt hơn cho việc quản lý chất thải, Chính phủ Ai Cập có kế hoạch phân bổ 25% doanh thu từ thuế tài sản cho các chính quyền địa phương. Luật mới cũng kèm theo nhiều biện pháp cưỡng chế. Ví dụ, người vi phạm các quy định pháp luật có thể bị phạt tù tới 5 năm. Nếu vi phạm gây thương tật vĩnh viễn cho người khác, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 5 - 7 năm. Họ cũng có thể bị kết án tù chung thân nếu hành vi dẫn đến cái chết của 3 người trở lên. Người gây ô nhiễm (nước và không khí) sẽ bị phạt tiền, từ 5 triệu - 25 triệu bảng Ai Cập (khoảng 315.000 - 1,5 triệu USD).

 Những năm gần đây, Ai Cập rất chú trọng công tác quản lý rác thải, bảo vệ môi trường. Năm ngoái, xứ sở của các Pharaoh đã thử nghiệm một ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ thông báo về tình trạng rác thải. Người dùng có thể gửi thông báo khi phát hiện rác trên đường phố, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng tới thu dọn. Chính phủ Ai Cập cũng ủng hộ chương trình “Giới trẻ vì sông Nile” để nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm. Theo chương trình này, hàng trăm thanh niên đã tham gia thu gom hàng tấn nylon, chai lọ nhựa và nhiều loại rác khác. Được biết, mỗi năm có tới 150 tấn rác thải công nghiệp đã đổ vào dòng sông huyền thoại của Ai Cập.

Ngọc Minh