Thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh

3 văn phòng riêng mới đầy đủ ý nghĩa về lý luận và thực tiễn

- Thứ Ba, 02/06/2020, 08:18 - Chia sẻ
Đánh giá về việc thực hiện thí điểm sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh tại phiên họp chiều 1.6, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về lâu dài, vẫn nên tổ chức 3 văn phòng riêng mới đầy đủ ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.


Ảnh: Quang Khánh

“Tôi thống nhất ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, “điểm tì” chính trị còn thảo luận tiếp nữa. Đối với Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH bây giờ cũng phải ra một nghị quyết của Quốc hội nếu chưa sửa luật. Vì Luật Tổ chức Quốc hội hiện nay quy định có Văn phòng Đoàn ĐBQH. Bây giờ ghép chỗ này với chỗ kia thì trái với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Quốc hội. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định văn phòng giúp việc là giao cho Chính phủ hướng dẫn. Tóm lại, tôi thấy chưa rõ thì cần thảo luận tiếp và hết thí điểm thì trở về như cũ”.

Chủ tịch Quốc hội 
Nguyễn Thị Kim Ngân

Đã thí điểm là phải nói hết

Đánh giá về việc thực hiện thí điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, bước đầu các cơ quan đã gọn lại về đầu mối, nhưng công tác tham mưu thì các địa phương đều phản ánh. Lý do bởi, đối tượng tham mưu và phục vụ của 3 cơ quan giúp việc này là các chủ thể khác nhau. Chính phủ đề xuất hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, ĐBQH và Đoàn ĐBQH không phải là cấp trên của HĐND. ĐBQH đại diện cho cử tri cả nước, chứ không phải chỉ cho cử tri của tỉnh mình, hoạt động của QH hoàn toàn rộng lớn, giám sát trên phạm vi toàn quốc. Từ việc hợp nhất, năng lực tham mưu là rất hạn chế. Ngay việc tiếp xúc cử tri, chúng ta cố gắng lồng vào, từ Đoàn ĐBQH với HĐND các cấp lồng vào tiếp xúc cử tri cùng một lúc nhưng cũng không đúng. Đối tượng tham mưu, phục vụ khác nhau, tính chất công việc khác nhau… Đây là những vấn đề rất cần tổng kết.

Đáng tiếc, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Báo cáo của Chính phủ chưa nói rõ hiệu quả hoặc hệ quả của việc chúng ta sắp xếp được bao nhiêu nhân sự? Chưa nói rõ được hiệu quả kinh tế sắp xếp lại thì tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Chưa nói được hiệu quả và hệ quả của việc đổi mới cách thức làm việc của cán bộ sau khi sắp xếp thế nào? Về thủ tục giấy tờ, việc sáp nhập cũng có nhiều lúng túng, có cái rất chậm. “Giám sát một cuộc về thì bàn nhau, anh thì tổng hợp, anh thì sửa bài, nhưng cuối cùng đều trong đó”… Chỉ ra thực tế này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, “phải tính kỹ lắm. Về mặt Nhà nước, đã thí điểm là phải nói hết”.

Tại sao chỉ bàn Văn phòng UBND độc lập?

Với đề xuất của Chính phủ về việc giữ mô hình tổ chức Văn phòng UBND cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, chỉ thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết không đồng tình. Bởi lẽ, Đoàn ĐBQH và Văn phòng Đoàn ĐBQH được lập ra với rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định rõ trong Nghị quyết số 1097 ngày 22.12.2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Muốn đổi mới ở cả 3 văn phòng thì phải đổi mới cái bên trong, tức là nâng cao chất lượng của các văn phòng.

Hơn nữa, nếu căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì có cơ sở hợp nhất Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND. Vì Điều 4, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 Luật này”. Vậy tại sao chỉ bàn Văn phòng UBND độc lập mà không bàn đến phải có văn phòng phục vụ chung chính quyền địa phương? Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhắc lại giai đoạn trước đây, năm 1989, khi bà làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND là chung, phục vụ chung mà có ảnh hưởng gì đâu. Nhưng sau đó vì mô hình lớn lên, rồi tách ra. Về phía Đoàn ĐBQH hoạt động từ trước đến nay cũng không ảnh hưởng đến Văn phòng UBND và không ảnh hưởng gì đến biên chế của tỉnh. Nếu nhập, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, hãy nhập ngay văn phòng phục vụ của chính quyền địa phương. 

Đề cập đến một số ý kiến cho rằng các tỉnh đề nghị sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND là cảm thấy tốt, hợp lý hơn, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói thẳng, “anh em nói vậy là để thôi không nhập 3 văn phòng”. Thực tế khi tham dự Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực, Phó Chủ tịch Thường trực Tòng Thị Phóng cho biết, 9 tỉnh thực hiện thí điểm sáp nhập 3 văn phòng thì không ai đồng tình hợp nhất, kể cả Bắc Kạn, địa phương xung phong thí điểm cũng không đồng tình.

Nhìn từ thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ, Văn phòng Đoàn ĐBQH đã tồn tại khoảng 20 năm. Trích câu nói của Hegel “cái thực tại là cái hợp lý, cái hợp lý là cái thực tại”, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, bản thân nó hợp lý rồi thì mới tồn tại, không hợp lý không thể tồn tại được. Ở các nước trên thế giới, các ĐBQH, thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, mỗi người đều có văn phòng riêng, chúng ta không thể giống vậy, nhưng chí ít một Đoàn ĐBQH phải có văn phòng riêng để giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH cũng khác so với HĐND. Vì thế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phải tính rất kỹ. Ở lĩnh vực ngân sách cũng vậy, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngân sách hoạt động của ĐBQH, không thể nào hoạt động đó đưa về địa phương quyết định được. Cho nên, xử lý một vấn đề liên quan đến nhiều vấn đề khác, chằng chịt với nhau. “Có thể trước mắt đành phải chấp nhận sáp nhập văn phòng của hai cơ quan dân cử nhưng về lâu dài thì phải là 3 văn phòng riêng mới đầy đủ ý nghĩa về mặt lý luận, thực tiễn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, đây là chủ trương thí điểm, nếu kết quả tốt thì nhân rộng, nếu chưa chín, chưa thống nhất, chưa đồng thuận cao, thì giữ như cũ. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết thí điểm và trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo với Trung ương, Bộ Chính trị về việc đã thực hiện thí điểm nhưng chưa đạt kết quả, mong muốn như tinh thần Nghị quyết 18 - Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Anh Thảo