WTO tạo động lực chuyển biến trong tư duy lập pháp tại các quốc gia

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 14:08 - Chia sẻ
Đó là nhận định của Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội TS Lê Đình Nghị tại Hội thảo "25 năm thành lập WTO: Thành tựu và thách thức" do Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức sáng 25.9.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội TS Lê Đình Nghị cho biết, năm 2020 là năm bản lề đánh dấu 25 năm thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) – một tổ chức toàn cầu duy nhất kiến tạo các quy định và quy tắc pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại giữa các quốc gia, tạo lên một hình mẫu về hội nhập mà sau này các tổ chức kinh tế khu vực hay các hiệp định thương mại tự do đã kế thừa và phát triển. 

Năm 2020 thế giới cũng chứng kiến những bất ổn xung quanh các mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia và đặc biệt khi đại dịch Covid -19 bất ngờ khiến cho hoạt động thương mại toàn cầu dường như chững lại. Trong chính những bất ổn đó, hệ thống thương mại đa phương mà các thành viên của WTO đã dày công gây dựng và củng cố đã trở lên quan trọng hơn bao giờ hết đối với nền kinh tế toàn cầu, tạo việc làm, tăng trưởng và phát triển bền vững.

Việt Nam có nhiều đóng góp vào tổ chức Thương mại thế giới

Hội thảo là một diễn đàn học thuật phân tích, bình luận về những thành tựu và những trở ngại mà WTO đang phải đối mặt; thảo luận về những điểm sáng trong pháp luật của WTO cũng như những vấn đề mà WTO cần hoàn thiện để tiếp bước.

TS.Trần Anh Tuấn, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho rằng, trong 25 năm qua WTO, đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy thịnh vượng và tiến bộ của các quốc gia thành viên ở lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, WTO ngày càng lâm vào tình trạng suy thoái do chưa tìm được phương hướng cải cách tổ chức, hoạt động phù hợp với điều kiện mới về toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đây có thể là xu thế tạm thời trong sự phát triển của WTO nếu các thành viên thống nhất, đồng lòng cải cách nó để hướng tới mục tiêu luôn là bảo đảm cho tổ chức này có quy tắc thương mại toàn cầu tiến bộ, vì lợi ích chung của mọi thành viên.

Từ thực tế này, nhiều đại biểu cho tằng, với tư cách là thành viên của WTO, Việt Nam cần có nỗ lực đóng góp hiệu quả vào cải cách WTO thông qua việc tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong khuôn khổ tổ chức này đồng thời tham gia một cách tích cực trong việc đề xuất, xây dựng những quy tắc mới của WTO trên tinh thần thiện chí, công bằng và bảo đảm lợi ích cho mọi thành viên của tổ chức. Mặt khác, Việt Nam cũng chuẩn bị tốt chiến lược, phương thức ứng phó liên quan đến hội nhập quốc tế trong điều kiện thực tế trên của WTO nhằm đảo bảo lợi ích quốc gia.

Phạm Hải